Chữ nhẫn và giác ngộ trong Vịnh Xuân Quyền

Hữu tâm tất thành đạo

Vô nhẫn bất thành nhân

Quá đơn giản chỉ là một chữ nhẫn thôi nhưng giá trị về nghệ thuật văn hoá là quá tinh hoa. Nó chứa đựng một nội dung quá sâu sắc. Bao hàm những ý nghĩa trong cuộc sống, và các lĩnh vực khác như kinh doanh học tập… có thể cả một cuộc đời một con người cũng không giác ngộ về nó và khi giác ngộ được rồi thì cũng đã quá muộn màng, cũng biết bao con người hiểu thấu cơ trời, hiểu rõ những ý nghĩa về nó mà thành cơ đồ, đại nghiệp như Hoài Âm Hầu Hàn Tín  thời Hán (Trung Quốc) bụng đầy kinh luân thao lược hơn người dám luồn chôn anh hàng thịt, xin cơm bà phiếu mẫu khi mà thời thế chưa đến vẫn phải nhẫn nhục chịu đựng những lỗi khinh bỉ và mắng mỏ chỉ cần có cơm ăn qua ngày để đợi vận thế, cuối cùng Hàn Tín đã trở thành Nguyên soái phá sở bá Vương. Và câu Tiễn nước Việt khổ cùng cực, chịu đựng bao nỗi gian lao khi mất nước về tay Ngô Vương Phù Sai (Thời chiến quốc). Nằm gai nếm mật trăm đường tủi nhục, bao nỗi cay đắng cuối cùng Việt Vương Câu Tiễn đã phục hồi quốc gia và tiêu diệt Ngô Vương Phù Sai. Phải chăng những thành công đó không nằm ngoài chữ nhẫn, chữ nhẫn quả là một tuyệt phẩm. Chữ nhẫn có thể là một sự ẩn tàng của thần khí mà những người biết nhẫn thường tạo được những thành công lớn.

Ca dao có câu : “nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Vậy chữ nhẫn đã mang lại cho con người quá nhiều hạnh phúc, thành đạt và giác ngộ nên ta cố mà tu tập cho tâm bản thiện. Còn riêng với môn võ mang tên Vịnh Xuân Quyền nếu thiếu chữ nhẫn thì sự thành công chỉ là vọng tưởng. Vịnh Xuân Quyền là môn võ lấy nhu làm gốc, đường quyền đơn giản không hoa mỹ, không phức tạp, sức cuốn hút không nhanh và nhiều khiến người tập nếu thiếu sự nhẫn nại ắt sẽ nhanh chóng  rời bỏ cuộc chơi, nhưng sự tinh tuý của nó lại ẩn sâu sau sự đơn giản đó.  Người tập không nóng vội không cầu tiến nhanh, bình tâm tu tập mới giác ngộ và đạt được những thành tựu lớn. Một đường quyền Vịnh Xuân phải tập đi tập lại cả trăm ngàn lần để đạt được sự lỏng mềm và sự chính xác cao cho đến khi đường quyền sắc như một mũi tên mà ta buông dây cung, mũi tên trúng đích mà không cần phải ngắm, chẳng khác chi ta đi trên một con đường đã quá quen thuộc mà nhắm mắt cũng tới cuối con đường, phải chăng đó là sự kiên trì và nhẫn nại. Trong phật học chữ nhẫn luôn được ca ngợi như một viên ngọc sáng nếu không có nó người tu hành ắt không đắc đạo. Nhẫn là không, không là nhẫn , mọi việc trên đời không nên thiếu nó, có nó chẳng khác chi đang đi trên một tấm nệm. Người tập Vịnh Xuân cũng thế, cần có nó trong tâm thì mới tạo được công quả, còn nếu như vì sự đơn giản mà chán nản, chữ tâm không có, chữ nhẫn thì không thì Vịnh Xuân không còn là môn võ của mùa xuân. Vịnh Xuân như một cây liễu toả bóng ven hồ, nhẹ nhàng, mộc mạc, không đồ sộ, không hoành tráng, nhưng chỉ đến khi có một trận cuồng phong ập tới  thì mới thấy được giá trị của cây liễu, nó chỉ nghiêng ngả nhưng không đổ gẫy như những vật khác, nó bảo cho ta thấy cái lõi mới là quan trọng. Chữ nhẫn cũng vậy nó nhẹ nhàng tĩnh tại và bình thản nhưng nó giúp ta giải bớt sự nóng giận mà tránh được nhiều điều có hại hoặc những hậu quả xấu.

Có một câu chuyện mà ta nên suy ngẫm và học được đó là Nan-In một thiền sư nhật sống vào thời Minh Trị tiếp một vị giáo sư đại học đến hỏi về thiền. Nan-in mời trà, ông rót đầy tách của khách mà vẫn tiếp tục rót. Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách trà tràn ra cho đến khi không kiềm mình được nữa ông nói: đầy quá rồi xin đừng rót nữa. Nan-in nói rằng tách trà này đầy cũng như trong ông đã đầy ắp những quan niệm, những tư tưởng làm sao tôi có thể bầy tỏ thiền cho ông được nữa trừ phi ông cạn tách trà này trước. Qua câu chuyện chúng ta cũng có thể hiểu được rằng người đến xin học không hiểu mình, hiểu thiền, chữ nhẫn không thông thì làm sao hiểu được cao kiến của vị thiền sư Nan-in.Tuy vậy đâu ai cũng hiểu được giá trị của chữ nhẫn, bởi thời hiện đại nó cuốn phăng và đốt cháy chính cái tâm của mình nào tiền bạc, địa vị, danh vọng thì chữ nhẫn còn chỗ nào mà đứng nữa. Cũng đúng thôi đó là sự phát triển thuận theo lẽ tự nhiên của trời đất. Chữ nhẫn hãy dành cho người chịu khó tu hành, tu hành thì chữ nhẫn mới trỗi dậy, chữ đạo mới sáng lên, nếu ai cũng dành cho mình một ít thời gian tĩnh tại và tu tập thì nhân cách mới sáng ngời, xã hội càng văn minh hơn. Con người yêu quý con người hơn.

Đầu năm tôi cũng viết đôi điều nông cạn về chữ nhẫn để mọi người quan tâm nhiều hơn đồng thời tôi cũng cùng các học trò, huynh đệ của mình mang một chút ít tấm lòng của mình tới gia đình ông Tưng, một gia đình nghèo, có bẩy người con, cháu tâm thần tại xã Võ Văn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, cùng chia sẻ những khó khăn với gia đình ông cùng thắp sang lên ngọn lửa niềm tin, hy vọng, cũng là để nói với ông rằng, trong xã hội còn nhiều tổ chức cá nhân, còn nhiều tấm lòng nhân ái quan tâm tới gia đình ông, mong ông sống khoẻ và giữ vũng niềm tin với cuộc sống này.

 

Thiếu sót còn nhiều, văn học sơ sài mong huynh đệ thông cảm.

 

Hải Phòng ngày 28 tháng 3 năm 2014

Võ sư Phạm Tuấn Dũng

Bạch diện cư sĩ