MỘC NHÂN

      Từ xưa, Thiếu Lâm Tự đã sử dụng mộc nhân trong việc luyện công. Đến Vịnh Xuân Quyền, mộc nhân thăng hoa thành bản sắc tựa như bảo khí, hồn phách của môn phái.

      Trải qua các thời đại, mộc nhân xuất hiện với nhiều hình dạng, kích thước khác nhau, bài tập cũng khác, nhưng mỗi sắc thái đều có dụng ý riêng của cổ nhân. Không nên định kiến, phát xét đúng sai khi chưa tỏ ngộ mà nên nghiên cứu, khai thác và phát triển hết những gì mình đang được trang bị, đó cũng là lẽ thuận theo tự nhiên của Vịnh Xuân.

      Đến Việt Nam, bài quyền 108 được sư tổ truyền dạy dưới 3 dạng: Song đối luyện tại chỗ, song đối luyện tiến lùi và luyện với mộc nhân. Dụng ý của sư tổ là gì mà lặp đi, lặp lại bài quyền như vậy? Phải chăng 108 một lần nữa tổng hợp và thâu tóm hết kỹ thuật quan trọng của VX? Mỗi thức như một cánh cửa để mở ra vô số chiêu pháp khác? Hay các động tác tưởng chừng rời rạc này lại có thể xáo trộn, ráp nối với nhau tựa các nốt nhạc hòa lại thành giai điệu ảo diệu.

      Đi vào vấn đề tập luyện, mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau, người căn cơ thoáng chốc làu thông, quyền cước vun vút tung vào mộc nhân chan chát...xin không bàn tới. Dưới góc độ là một người sơ cơ, trong khi quyền thuật Vịnh xuân lại vô cùng tinh tế, ẩn tàng, xin mạn phép chia nhỏ thành thứ tự các chú ý căn bản (sau đây xin gọi là ý niệm) để ai thuận ý thì cùng tập:

      Ý niệm về tấn. Tập một mình đúng tấn đã khó, nay vào với mộc nhân như kìm kẹp, thượng hạ, tả hữu đều vướng. Nên mới tập mộc nhân, không nên đặt mục tiêu quá nhiều vào thủ pháp, hãy quán sát tấn xem trọng tâm đúng chưa, góc độ của hông eo, vai tay đã nhập nội vào mộc nhân chưa. Tấn đúng thì hình thế có lợi, sau ra lực được tối ưu, tấn sai thì thế bất lợi, ra lực bị hạn chế.

      Ý niệm về tháo lỏng và niêm dính. Sau khi tấn đã chuẩn, thế tay đã được học, khi vận hành các chiêu thức cần có ý niệm về tháo lỏng và niêm dính. Cần tập chậm và quán sát xem lực có giữ ở thớ cơ, bắp thịt nào thì buông lỏng. Từng chuyển động của tay có bám dính trên tay mộc nhân không, khi mộc nhân đung đưa tay ta có hòa được với chuyển động

đó không. Trong khuôn khổ hạn hẹp mà tháo lỏng được, trên tay gỗ thô cứng mà niêm dính được, từng chuyển động nhỏ của mộc nhân đều cảm nhận được là từng bước đi đến chí nhu và linh giác được phát triển đến độ tinh tế. Khi tập ý niệm về phần tháo lỏng và niêm dính này, dĩ nhiên đã bao gồm việc quan sát về tấn.

      Ý niệm về tiêu và đả. Lúc này đã đi vào tính thực chiến của môn phái, cần tập chậm hơn nữa để quán sát. Trước tiên cần tập cho ý thức phân đều ở 2 tay, âm tiêu – dương đả, thường bản năng ta thích để ý dương mà quên âm, không ngờ âm rất quan trọng, nên nay thay đổi cần chú ý đến tay tiêu nhiều hơn (do tay đả tự bản năng đã chú ý rồi). Sau đó đi vào ý niệm về tiêu đả: Liên tiêu đới đả (Tiêu đả đồng thời – 2 trong 1) quán sát xem tay tiêu và tay đả có chuyển động cùng 1 lúc không hay còn tay trước tay sau... Đến khi thành thục tiêu đả đồng thời thì đến ý niệm về Dĩ tiêu vi đả - dĩ đả vi tiêu ( Tay tiêu xong dùng luôn làm tay đả, tay đả xong dùng luôn làm tay tiêu) nhờ thành thục 2 ý niệm này mà đôi tay được sử dụng triệt để, tiêu đả sinh trưởng lẫn nhau, không khoảnh khắc nào lãng phí khi dụng pháp. Khi tập ý niệm về tiêu đả này, dĩ nhiên đã bao gồm ý niệm về tháo lỏng và niêm dính cùng với ý niệm về tấn.

      Đi qua 3 giai đoạn quán sát và chỉnh sửa bản thân như trên, đôi tay của người tập sẽ tiến thêm bước mới. Nếu không đủ điều kiện để chờ hoàn thiện cái này mới sang cái khác thì trong giờ tập mộc nhân, người tập cần tập tối thiểu 3 lần, mỗi lần đưa thêm 1 đề mục vào để dần hoàn thiện.

      Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng có duyên ở gần ân sư, bạn hữu. Khi ấy, mộc nhân là người bạn đồng hành đầy kiên nhẫn để chúng ta thỏa sức mài giũa, tôi rèn kỹ thuật. Để từ nơi người gỗ bất động, không lời đó mà quyền thuật ta được giác ngộ, đôi tay ta tiếp tục được thăng hoa...

Ngày dịch, đôi điều hạ hẹp chia sẻ, mong mọi người cùng nhớ đến nhau, luôn vui khỏe và thăng tiến Kung fu.

Hải phòng ngày 8/1/2022          

Đệ tử võ đường VXQ HP