Một Chuyến Lên Non - Đôi Dòng Cảm Ngộ

Vịnh Xuân là môn võ của trí tuệ. Đôi tay Vịnh Xuân lại càng cần sự giác ngộ của tâm linh. Linh giác chẳng thể dẫn đường cho những kẻ mù loà tâm trí.

Vì thế, một buổi sớm mai thầy trò chúng tôi hành hương lên non cao Ba Vàng, đâu phải chỉ để tìm lấy sự bình an cho kiếp người giả tạm, cái chúng tôi cần là những phút thiền­­ tâm thanh tịnh, sự thăng hoa của cảm xúc để có thể tìm về với bản ngã võ học. Và núi chùa Ba Vàng, nơi linh sơn thắng địa, nơi phảng phất hương thiền ngàn năm, như đã đưa chúng tôi tới gần hơn cái đích ấy.

Tôi ngồi đây, dưới gốc cây cổ thụ, giữa sân chùa Ba Vàng, nơi mấy trăm năm qua vẫn lồng lộng bóng áo cà sa của bậc cao tăng đạo hạnh. Không còn thấy những mái ngói rêu phong, những viên gạch vẹt mòn cũ kĩ, chỉ có một Bảo Quang Tự của ngày hôm nay nguy nga, tráng lệ với những mái đao cong vút thấu tận trời xanh, với cổng tam quan to lớn, sừng sững hiện ra trên vách đá sâm nghiêm, với tòa Tam Bảo lớn nhất Việt Nam dựa lưng vào núi hợp cùng hai dãy nội viện tăng ni như tạo thành cái ngai khổng lồ cúng dàng chư Phật giáng lâm tọa hạ.

Tôi ngồi đây như trở về trong lòng quê hương, có vòng tay của Đức Di Đà với pho tượng tiếp dẫn phía trên đồi cao, có bóng dáng của mẹ hiền Quán Âm rủ bóng từ bi trên từng bậc thang dẫn lối, có ngọn đuốc sáng của dòng thiền Yên Tử thắp lên trong cõi vô minh.

Tôi ngồi đây, trong linh khí của núi rừng, nghe u huyền đạo cả chảy khắp chân thân. Uống một ngụm nước giếng sơn thần mà thấy tay chân căng nhựa như cổ nhân thổi lửa vào người, bỗng muốn múa một vài đường quyền và giả thử có một thanh đao thì cũng dám vung lên vài nhát, chém vào thinh không cho hả nỗi lòng vạn cổ! Vẳng nơi đâu một tiếng chuông chùa mà thấy lòng như lồng lộng cả không gian: phơi phới trang thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, mênh mang dòng kinh Bát nhã Kim cương, cuồn cuộn bắp chân Thiếu Lâm Đạt Ma, thoang thoảng hương trầm khói tỏa, thêm be sầu sóng sánh thiên thu…

Tôi ngồi đây, lặng ngắm hai sư huynh từ bao giờ đã cùng hòa nhau trong đòn niêm thủ. Đôi tay vấn nhau đi như lưu thủy hành vân chẳng mảy may vướng lại chút ít gió bụi hồng trần. Một bên động mà không động, nhanh như xuất quỷ nhập thần, vừa đưa tay ra đã thấy thu về. Một bên tĩnh mà không tĩnh, yên như mặt nước, mặc kệ hết thảy bốn bề trong khi phía dưới thì dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Họ "lỏng" và "mềm", theo cái yếu quyết vô giá suốt 200 năm qua của dòng phái Vịnh Xuân. "Lỏng" mà không lỏng lẻo, lỏng mà trói buộc tất cả, lỏng mà hòa vào đại đạo đất trời, hòa vào như để tìm lấy sự vận động phi thường trong cõi nhân thiên hợp nhất.

Họ cũng dường như đã giác ngộ được một điều gì đó? Cái chữ ngộ mà ngàn ngày vất vả luyện tập khi hiểu ra thì đã có sẵn ở trong lòng. Cái chữ ngộ mà cả ngàn năm qua vẫn ẩn sâu trong nụ cười của tôn giả Ca Diếp, trong tiếng thét chấn động của thiền sư Lâm Tế, trong ngọn lửa đốt tượng sưởi ấm của thày tổ Bảo Hà.

Đoàn chúng tôi tiếp tục thượng sơn, lên tới tận cùng đỉnh núi, nơi có những bãi cỏ lan xa tận trời như một thảo nguyên bình yên giữa trần thế. Xưa nay, ai đi qua những cánh đồng vàng mà không thấy mênh mông, ai đứng trước biển xanh mà không thấy ngút ngàn tầm mắt, ai đi lên núi cao mà không thấy cô đơn nhỏ bé giữa đất trời? Nhưng nào thôi, nghĩ làm chi cái sự vô thường của kiếp người trói buộc, hãy một lần quên đi chính mình để cùng hòa vào cơn gió miên man của núi rừng, đứng trên đỉnh cao mà thỏa chí tang bồng cao hơn tất cả:

"Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời"
(Không Lộ Thiền Sư)


 

 

Hải Phòng, ngày 22 / 4 / 2014

Môn sinh

Đặng Quang Tuấn

(Cẩn bút)