Người Thầy huyền thoại và cao cả

Ngày 19 tháng giêng năm Tân Mão, một ngày tôi vô cùng buồn bã và đau lòng khi nghe tin của các huynh đệ trong thành phố Hồ Chí Minh báo ra, đại lão võ sư Trần Tiến đã ra đi mãi mãi, làng võ Việt Nam mất đi một cây đại thụ lớn.

 

Tôi mất đi một người thầy mà cả đời tôi kính trọng cả về tài và đức. Quá đau buồn, tôi như người mất hồn, gục mặt xuống giường, nước mắt lăn trên gò má, khóc nức nở thương thầy. Cả cuộc đời thầy đã chấp nhận bao mất mát hy sinh, trọn một lòng cống hiến cho dân tộc, cho nền võ học nước nhà.

Ngày hôm sau tôi khăn gói lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh, nơi linh cữu thầy được quàn tại nhà tang lễ thành phố số 25 Lê Quí Đôn. Chiều cùng ngày tôi và một người học trò đại diện cho võ đường Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền Hải Phòng đã kịp có mặt trước linh cữu, thắp lên nén nhang thơm, mong hương hồn thầy dưới suối vàng được thanh thản và siêu thoát.

Mới đó thôi, chỉ hơn tháng trước, tôi còn ngồi bên thầy trong ngôi nhà giản dị đơn sơ, thầy trò cùng nhau ăn bữa cơm chiều, thầy giảng cho tôi về môn võ của thầy cũng như cái đạo của người luyện võ. Hình ảnh người thầy tuổi đã quá bách niên nhưng vẫn miệt mài viết sách, mong muốn gửi gắm lại thế hệ mai sau những kiến thức, công phu cả một đời khổ luyện, vẫn còn in mãi trong trí nhớ tôi. Vậy mà không thể ngờ rằng, đó là lần cuối cùng tôi được ngồi bên thầy trong bữa cơm định mệnh.

2 giờ chiều ngày 24 tháng giêng năm Tân Mão linh cữu thầy được trang trọng di quan xuống Đài Hóa Thân Hoàn Vũ tại Nghĩa Trang Thành Phố - Bình Hưng Hòa hỏa táng. Buổi lễ tiễn đưa thầy, các võ sư, các võ đường, thân bằng cố hữu bốn phương, các học trò của thầy có mặt thật là đông đủ, kể cả các học trò người nước nài cũng kịp về tiễn biệt thầy. Lễ tang của thầy đã được các học trò tổ chức long trọng và chu đáo.

Lòng thật buồn, nhưng cuộc đời vốn vậy có sinh ắt có tử, tôi và người học trò lặng lẽ ra về với đôi chân nặng nề không muốn bước. Ngày hôm sau, quay về Hải Phòng tôi cùng một số môn sinh tổ chức đón hài cốt người tại sân bay Cát Bi Hải Phòng. Chúng tôi cũng lên Hà Nội đón đại Lão Võ Sư Phan Dương Bình, Đại Lão Võ Sư Nguyễn Ngọc Nội,   cùng toàn thể môn sinh võ đường Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền Hải Phòng đến thắp nhang trước linh vị thầy, tại nhà bác Thành con trai thầy trên phố An Đà. Tất cả trong bầu không khí trang nghiêm, kính cẩn đọc lên những dòng điếu văn tiếc thương Thầy vô hạn:

 

ĐIẾU VĂN

 THÀNH KÍNH TIẾC THƯƠNG ĐẠI LÃO VÕ SƯ TRẦN TIẾN

 Đại lão võ sư kính yêu ! 

Trước giây phút thiêng liêng này, khi tiễn biệt Đại lão võ sư về nơi yên nghỉ cuối cùng, trong cõi vĩnh hằng xa thẳm, toàn thể Sư Đồ Thiếu Lâm Vĩnh Xuân Quyền Hà Nôi, Hải Phòng vô vàn thương tiếc Đại lão võ sư.

 Cả cuộc đời 101 năm của Người như hiện rõ trong tâm trí sư đồ chúng con !

Năm 1911 Người được sinh ra nơi mảnh đất hùm thiêng Yên Thế, xuất thân dòng dõi nghĩa quân, con Hồng cháu Lạc, được khai tâm võ học từ thủa lên 10, ngay trong gia đình bằng sự truyền dạy của cha ông, song, vốn  duyên tiền định,  dòng chảy cuộc đời đã đưa Người dừng chân tại mảnh đât Hải Phòng cửa biển, nơi mà Người đã chính thức bái sư để trở thành đồ đệ Thiếu Lâm, để rồi từ đó bắt đầu một cuộc đời võ nghiệp từ tuổi 15, khắp các vùng miền, khắp các quốc gia, mang trong mình rất nhiều sở học của rất nhiều môn phái danh tiếng đương thời.

Năm 1946 Người đã gia nhập hàng ngũ của những người cộng sản, tham gia kháng chiến chống pháp, rồi lại song hành cùng cuộc trường chinh của dân tộc, Người tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ, mang sở trường võ học của mình để phục vụ đồng bào, phục vụ tổ quốc, phục vụ quê hưong. Từ sự dạy dỗ của người bao lớp chiến sĩ đặc công đã trưởng thành xông ra tiền tuyến gìn giữ quê hưong.

Thật xứng danh thay: Dòng dõi hùm thiêng !

 

Giã từ binh nghiệp năm 1978 Người trở về tiếp tục chuyên tâm cống hiến, truyền dạy cho nhiều lớp đệ tử trong và nài nước, tham gia thành lập và điều hành nhiều Câu Lạc Bộ Võ Thuật trong nước, giảng dạy võ thuật tại các trường đại học. Từ những cống hiến đó, Người đã được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam trao tặng HCV danh dự và Ủy ban TDTT Nhà Nước trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp TDTT.

Nay Người đã ra đi, để lại cho đời bao tiếc thương, để lại cho đời bao tinh hoa võ học, để lại cho đời những môn sinh khắp bốn biển năm châu. Hơn thế nữa Người ra đi để lại cho đời và làng võ Việt Nam một tấm gương sáng về tấm lòng nhân hậu và cách đối nhân xử thế thấm đẫm tình người.

 Thật kính phục thay: Một tấm gương sáng đã cống hiến trọn đời cho võ học !

Ngày này  đây, gần 100 năm trước mảnh đất Hải Phòng này,  nơi đầu sóng ngọn gió đã  tiễn người ra đi bắt đầu cuộc đời võ nghiệp, thì hôm nay đây gần một thế kỷ sau, lại mảnh đất  mặn chát hương vị của biển này, xin được giang tay đón người về an nghỉ ngàn thu.

Thật đáng trân trọng thay: Một tấm chân  tình đi qua hai thế kỷ !

 


Toàn thể Sư Đồ TLVXQ Hà Nội, Hải Phòng thành kính tiễn biệt Đại lão võ sư!

Hải Phòng, chiều ngày 01 tháng 02 Xuân Tân Mão

Lão võ sư Phan Dương Bình

Lão võ sư Nguyễn Ngọc Nội

Võ sư Phạm Tuấn Dũng cùng tòan thể môn sinh võ đường TLVXQHP

Kính bút

Sau 49 ngày hài cốt thầy được chính thức an táng tại chốn Phật môn, nghĩa trang chùa Đồng Thiện, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Thầy đã ra đi mãi mãi. Nhưng còn mãi trong tôi hình ảnh một người thầy huyền thoại và cao cả.

 

Hải Phòng ngày 04 tháng 05 năm 2012

Chủ nhiệm võ đường       

Võ sư Phạm Tuấn Dũng

Bạch Diện cư sĩ