Sự tương đồng giữa phương pháp và bệnh học trong Vịnh Xuân Quyền

          Vịnh Xuân Quyền cũng như nhiều môn võ khác đều đã mang lại giá trị to lớn cho những người tập về cả thể chất và tinh thần, còn với Vịnh Xuân Quyền, bởi ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử.

          Đất nước Trung Quốc đang xảy ra cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa triều đình Mãn Thanh và các đảng phái mang tư tưởng phản Thanh phục Minh. Vua Càn Long đã cho hoả thiêu Thiếu Lâm Tự. Chùa Thiếu Lâm chỉ còn sót lại ngũ đại cao thủ, trong đó Ngũ Mai sư thái người đã dày công nghiên cứu và sáng tạo ra môn võ Vịnh Xuân Quyền và truyền thụ cho người cao đồ đầu tiên là nữ giới mang tên Nghiêm Vịnh Xuân và lấy tên Vịnh Xuân đặt cho môn phái. Trải qua 400 năm tồn tại và phát triển Vịnh Xuân quyền đã sản sinh ra nhiều cao đồ...Có thể kể đến minh tinh màn bạc Lý Tiểu Long. Ông đã cống hiến cho nền điện ảnh và phát dương quang đại cho Vịnh Xuân Quyền. Theo truyền thuyết sau một lần tỉ thí võ ông đã bị đối thủ đánh lén và mang thương tật nặng nề, đến ngành y học hiện đại phương tây cũng không chữa được, nhưng nhờ có kiến thức sâu về Vịnh Xuân cùng nghị lực phi thường, ông đã vượt qua tất cả và bình phục.

          Vậy tại sao Vịnh Xuân lại có tác dụng dưỡng sinh như thế? Vịnh Xuân vốn là môn võ nhu thuật lấy lỏng mềm làm căn bản, lấy khí làm gốc. Bởi khí là sự sống, là chất dinh dưỡng có tác dụng tưới nhuần và chạy khắp châu thân, ngấm tận xương tuỷ. Khí là linh khí của trời đất nhờ khí con người và vạn vật mới tồn tại, trong thuật dưỡng sinh của Vịnh Xuân thì ngũ tạng cần phải được tăng cường năng lượng. Theo lý luận y học cổ truyền cơ thể con người được vận hành trơn tru, khí huyết lưu thông thì ít bệnh tật hoặc có thể không có. Vậy cơ thể lấy khí huyết làm chủ, khí huyết thuận hoà thì âm dương trong cơ thể được cân bằng, sắc da tươi nhuận, nếu khí huyết trệ thì hơi thở ngắn, sắc mặt xanh, mạch hư nhược. Để tránh các căn bệnh gây ra cho cơ thể thì phương pháp dưỡng sinh đầu tiên của Vịnh Xuân là luyện thở. Thở là phương pháp trao đổi chất O2 và CO2 nhằm tăng cường dung tích O2 trong phổi từ 4,5 lít đến 7 lít hoặc 8 lít. Lượng O2 trong phổi sẽ giúp tim hoạt động lưu thông mà không bị tình trạng ứ huyết tại tim, gây ra các hội chứng choáng hoặc đột quỵ tại tim, nếu phổi không tích trữ nhiều khí O2 thì khả năng giúp cơ thể tăng cường sự vận hành của ngũ tạng sẽ bị hạn chế, chức năng làm việc sẽ kém hiệu quả có thể dẫn đến hội chứng bệnh về tạng phủ. Ví dụ tâm thuộc hoả, thận thuộc thuỷ tâm hư ắt chức năng làm việc của thận sẽ giảm, thận chủ về lọc máu và sơ tiết, nếu bị hư tổn sẽ gây lên hội chứng tâm thận bất giao, có biểu hiện như mất ngủ, hay quên, ngũ tâm phiền nhiệt. Nếu khí O2 luôn luôn dồi dào thì chân khí mạnh mẽ chân khí vững vàng thì lấy đâu ra bệnh tật. Trong Y học cổ truyền trăm bệnh đều xuất phát tại tâm nhưng gốc ở thận, tâm phiền ý loạn khiến cho khả năng hoạt động của thận kém hiệu quả khiến thận lọc máu không đào thải được tất cả các độc tố có thể dẫn tới như sỏi thận hoặc thận âm và thận dương đều hư. Muốn tâm không bệnh thì khí huyết phải lưu thông, mà phương pháp lỏng mềm là yếu lĩnh vô cùng quan trọng. Theo quan niệm của lão tử không có gì mềm bằng nước mà chỉ có nước mới có thể len lỏi tới bất cứ ngóc ngách nào. Chính vì vậy Vịnh Xuân Quyền lấy lỏng mềm làm căn bản, khí huyết là ứng dụng nếu ta tu tập đúng chắc có hiệu quả cao. Ngoài phổi, nếu lượng O2 nhiều thì người tu tập sẽ chuyển động khí O2 từ phổi xuống hạ tiêu tức bàng quang hay còn gọi là đan điền mà đan điền trong võ học được coi là bể chứa khí, khí từ nơi này được vận hành tới các cơ quan, tạng phủ, kinh mạch để nuôi dưỡng toàn thân để giúp người bệnh phục hồi chức năng của cơ thể. Vấn đề thở luôn luôn là chủ đề chính và cũng là một phương pháp quá quan trọng, nên nó được xếp vào hạng mục đầu tiên trong hệ thống luyện tập. Song song với thở là các bài quyền như luyện kình lực cho vững vàng, gân cốt khoẻ mạnh thì sẽ giúp cho gan khoẻ mạnh vì gan chủ về gân cốt. Trong Y học gan có chức năng tàng huyết, dưỡng gân và xương. Cho nên mỗi bài tập đều có giá trị cao với một bộ phận trong cơ thể, hoặc nhằm tránh bệnh đau lưng, tê bàn chân tay, cánh tay thì bài tập thiền động giúp khí huyết chuyển động tới các vùng bị bệnh, nhờ huyết tưới nhuần thì khả năng phục hồi lại sẽ rất cao, hơn thế nữa trong môn võ Vịnh Xuân bài Thủ Đầu Quyền (Tiểu Niệm Đầu) có thể gọi là một tuyệt phẩm dưỡng sinh, nó không lộ diện phương pháp cận chiến mà các động tác trong bài quyền chứa đựng nhiều ẩn ý phong phú. Người tập chỉ cần chăm chỉ tu tập thì bài quyền sẽ phát huy được nhiều tính năng sẵn có, giúp thay đổi trạng thái của người tập một cách rõ rệt. Trong suốt quá trình tập dưỡng sinh các bài tập được kết nối liên hoàn, được lập trình chặt chẽ có khả năng đột phá cao, nhằm giúp người bệnh có kết quả nhanh, dựa trên một nguyên tắc đó là lấy ý dẫn khí, khí dẫn theo hình, dụng khí phát kình, kình sinh ra lực. Người tập nắm vững nguyên lý và vận hành sao cho đúng thì hình vóc thay đổi, cơ thể tráng kiện. Và cũng không thể không nhắc lại hai vấn đề là kim chỉ nam xuyên suốt một học thuật dưỡng sinh đó là thở và làm lỏng mềm toàn thân.

          Tôi viết bài này bằng sự trải nghiệm và tu hành, mong các huynh đệ và các học trò yêu mến Vịnh Xuân quyền lưu tâm. Văn chương có hạn, kiến thức nông nổi mong các vị tiền bối và huynh đệ võ lâm chỉ giáo, tôi xin lĩnh hội.  

 

Hải Phòng, ngày 30 tháng 6 năm 2015 

Chủ nhiệm võ đường

Võ sư Phạm Tuấn Dũng

Bạch Diện Cư Sĩ