Võ học con đường giác ngộ về tâm pháp

Vạn vật không ngừng biến thiên, tuần hoàn mãi mãi, đến rồi đi, đi rồi lại đến cứ thế dịch chuyển mà Biến Hoá Vô Cùng Vô Tận, vạn hữu luôn như dòng thác đổ luôn biến dịch trong mỗi sát na. Thế giới là sầm la vạn tượng trong một sát na này đã khác với thế giới ở một sát na khác. Nhân loại thay đổi từng ngày như dòng nước cuốn , chẳng còn biết đâu là hình, đâu là tướng . Con người thì cứ mãi đuổi theo dòng danh lợi để tìm những khát vọng cho thoả lòng tham. Và rồi cái tham sân si cứ bùng cháy nên như thổi thêm một luồng gió đốt cháy tâm can càng thêm khát vọng để trái tim và bản ngã bị hoả lấp, lu mờ như ánh trăng tàn khuyết vô viên.

 

            Trang tử nói: “Ngô sinh giã hữu nhai, nhi tri giã vô nhai , dĩ hữu nhai tuỳ vô nhai, dã hỉ”. ( Đời ta vốn có hạn mà cái biết thì vô hạn mà đem cái hữu hạn đi tìm vô hạn thì nguy lắm ). Ngày xưa, các bậc hiền triết chân nhân, các bậc ẩn sĩ chân tu thì nhìn thế giới ngoại tại muôn màu như một cành hoa sáng nở tối tàn, còn cái đạo pháp cao thâm thì không phải ai cũng thấy được.  Cái đạo pháp cao thâm ấy, nó vô ngã, vô sắc chỉ có duyên ngộ mới thấu được lẽ huyền cơ đó là chân tâm. Chân tâm vô hình không nhìn thấy được nhưng cái hoá tinh của nó phát quang diệu vợi thấu tận trời xanh chẳng khác chi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni toạ một chỗ mà bốn cõi đều thông. Chân tâm chìm giữa dòng đời trầm luân dù trải vinh nhục đắng cay cũng mãi không phai. Phải chăng đó là tâm pháp đã được khai thông, giữ lòng như tấm gương sáng để nhìn cả thế giới hiển lộ toàn thân đó chính là tâm pháp mầu nhiệm ẩn tàng của văn hoá phương đông. Võ học, y học , dịch học, hội hoạ, thi ca , khi đã hiển thị được tâm pháp đều trở thành phương tiện thiện sảo giúp người hồn nhiên quay về nẻo đạo.

            Với riêng tôi, võ học mênh mông vô bờ tựa như biển lớn, uyên bác uyên thâm nhưng không nằm ngoài chữ ngộ trong tâm. Chữ tâm mới là sâu thẳm, nó không ầm ầm như sóng dậy mà nó tĩnh tại trải khắp nhân gian . Còn võ học ư? Là một môn triết học lớn mà người xưa dựa vào y dịch học mà tạo nên, nó không phải võ phu võ biền như nhiều người nghĩ, mà nó là sự tĩnh dưỡng sâu lắng đầy nhân văn của những người đi trên con đường tu hành. Võ học giúp con người cường thân kiện cốt , ý chí vững mạnh, khai thông pháp tuệ. Qua nhiều thế kỷ, mặc cho sự phát triển của nền văn minh , của sự tiên tiến toàn thế giới , tâm pháp phương đông dù đang bị đẩy lùi với những thế hệ hôm nay thì nó vẫn âm thầm lặng lẽ quay về ẩn tiềm nơi thôn dã , thiền viện , nơi linh sơn thắng địa xa  . Nó như con rồng chìm xuống đáy sông mặc nước mài vảy đợi thời thời thế hanh thông mới vươn cao trăng gió. Nó như ngoạ hổ tàng long nơi thư pháp kiếm đạo để hàm dưỡng cho thế giới tâm linh của người phương đông . Và một ngày kia tác gia đệ nhất kiếm hiệp Trung Hoa Kim Dung đã dày công đưa các tiểu thuyết võ hiệp vào trong lòng công chúng với các tình tiết hấp dẫn ly kỳ tạo nên sức sống mới cho sự tái sinh của võ học và vẻ đẹp cao thượng của tâm hồn. Võ học ngày càng uyên bác và tinh thâm , dẫn đến chỗ thân tâm hoà hợp tinh nhất rồi chính từ cái tinh nhất đó, nó cũng lặng lẽ tiêu dung hoà nhập với tâm, mà tâm thì vô ngã vô ưu, không hình không tướng, nhưng quán thông khắp mười phương . Ngạn ngữ có câu “Phóng chi tắc chi , phóng chi tắc di lục hợp, thoái chi tắc tàng ư mật ” (Khi buông ra thì bao trùm sáu cõi , khi thu về thì ẩn nơi sâu kín)  cứ tuỳ nghi mà thông biến,  hư kỳ tâm , tĩnh và định cứ tuỳ vật đến và cảm hứng những kỹ năng của con người đao kiếm , chưởng chỉ cứ tuỳ tâm mà phát  đó chính là sự ảo diệu tinh hoa của võ học và khi con người đã giác ngộ được võ học thì một điều cũng thấu như vạn điều , vạn điều cũng chỉ là một điều thì cái sự biến thiên của trời đất vạn vật chuyên nhất trong cõi hư vô cũng không còn là huyền bí. Nào Trương Tam Phong nhất tâm thông biến tạo nên một Võ Đang Sơn thâm thuý và tiêu dao, nào Trương Vô Kỵ khai phá càn khôn đại nã di phát dương Minh giáo đánh tan quân Nguyên, phải chăng là tâm sáng mà tuệ thông không đâu mà không là võ. Khí huyết hoà tâm thành nội lực , ứng vào lòng bàn tay thành chưởng pháp , ứng vào tay thành quyền pháp , ứng vào chân thành cước pháp, ứng vào đao thành đao pháp , ứng vào kiếm thành kiếm pháp, ứng vào miệng thành sư tử hống , nội khí tràn đầy huyết chuyển toàn thân. Tất cả đều nhờ vào tâm vận hành mà thông suốt. Trần tục lắm bi ai , nhân gian đầy bể khổ , hãy tu tập và đưa thân tâm đi về con đường giác ngộ, khi đã giác ngộ thì không có cảnh giới nào mà đi vào đó mà không ung dung tự tại.

 

Lòng yên muôn sự thông ba cõi ,

Một tiếng cười vang ấm đất trời.

 

 

Hải Phòng, ngày 06/10/2014

Võ sư

Phạm Tuấn Dũng

Bạch Diện Cư Sĩ