Bản Thiện

“Khi chúng ta bưng bát cơm lên mà ăn, hãy nghĩ đến những người còn đói khổ”

(Hồ Chí Minh)

 

Hải Phòng, thành phố Hoa Phượng Đỏ, đang ngập tràn sắc mầu, cờ hoa rực rỡ, dòng người tấp nập lại qua. Du khách trong và ngoài nước nô nức, hồ hởi đổ về thành phố Cảng thân yêu, cùng với người dân Thành phố tận hưởng không khí tưng bừng, phấn khởi và sôi động của những ngày Lễ hội.

Thầy trò chúng tôi, đại diện cho những tấm lòng của Võ đường Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền Hải Phòng, lại tìm về với Tế Cát của Hà Nam, bắt đầu hành trình của một ngày từ thiện. Một buổi sáng thật trong lành và mát mẻ. Từ thành phố xuôi dần về với miền quê. Cánh đồng xanh mênh mang dần hiện ra trước mắt. Đôi ven đường những rặng tre đung đưa rủ bóng mát, mấy chú bò nhởn nhơ gặm cỏ, xa xa đôi cánh cò lặn lội, tiếng sáo diều vi vu trong gió thoảng… Con đê dài vắng vẻ, yên bình,  xanh xanh uốn lượn dẫn chúng tôi tìm về với ngôi chùa nhỏ, ngôi chùa Tế Cát. Nơi đây, những đứa trẻ với những hoàn cảnh khác nhau, đứa mồ côi, đứa bị bỏ rơi, hắt hủi từ khi mới lọt lòng đang được nhà chùa và người dân xung quanh cưu mang, nuôi dưỡng. Tụi trẻ cứ hồn nhiên nô đùa, cười nói mà chưa hiểu được số phận hẩm hiu của mình. Thương cảm trước những mảnh đời bất hạnh và cuộc sống khốn khó nơi đây, Thầy trò đã gửi tặng 5triệu đồng và 100 cân gạo là tấm lòng của Võ đường, mong muốn chung tay chia sẻ bớt khó khăn, động viên tinh thần tới các cháu bé và cầu mong chư Phật gia hộ, độ trì cho các cháu luôn khỏe mạnh, ngoan ngoãn, lớn lên giúp ích cho xã hội và cộng đồng.

Sau bữa cơm chay tại chùa, Thầy trò lại rời Tế Cát tiếp tục về với Hà Đông, tìm về gia đình nghèo khổ, cơ hàn của một cụ già nay đã 101 tuổi, hom hem, gầy yếu, sống cùng người con trai duy nhất không có vợ con cũng đã già yếu, do tai nạn bị liệt phải ngồi trên xe lăn suốt hơn 40 năm nay. Căn nhà nhỏ của Cụ úp súp, lạnh lẽo, buồn tẻ nằm khuất nẻo cuối con đường giữa những ngôi nhà cao tầng, lộng lẫy. Cuộc sống buồn tủi, cơ cực không nơi nương tựa của hai mẹ con Cụ khiến hằng ngày người con trai phải lăn xe từ tuyến phố này đến con phố khác để xin ăn qua ngày, ngày Rằm, mồng Một lại tới cổng chùa ăn mày cửa Phật, mong chờ có được một vài đồng bố thí. Con người ai cũng có cho mình một ước mơ, người con của Cụ cũng thế, cũng từng ao ước có một gia đình hạnh phúc, có một mái ấm sum vầy, với một người vợ ngoan hiền, những đứa con hiếu thảo, gia đình vui vẻ quây quần bên nhau, có thể săn sóc phụng dưỡng mẹ lúc về già, nhưng số phận thật trớ trêu, người con của Cụ không may bị tai nạn không đi lại được, cô người yêu lúc đó cũng bỏ đi tìm niềm vui mới. Người mẹ già cũng đã hằng mong cho con mình có được một gia đình đầm ấm, lấy vợ sinh con, vui sống như bao người khác để đến lúc có nhắm mắt xuôi tay thì cũng thấy yên lòng, thanh thản mà ra đi. Nhưng những ước mơ nhỏ nhoi, bình dị ấy mãi mãi không bao giờ trở thành hiện thực. Lòng người mẹ nghèo khổ này từ lâu đã ngậm ngùi, xót xa. Nỗi đau đã thành những nếp nhăn hằn in trên gương mặt Cụ, đôi mắt hao gầy, dòng lệ cạn khô. Giờ đây mong muốn duy nhất của hai mẹ con Cụ là có thể kiếm được miếng ăn qua ngày, để sống nốt những ngày còn lại trong kiếp đời tủi cực dằng dặc của mình.

Nhưng mấy ai biết được, ẩn sâu bên trong những con người cùng khổ này là một tấm lòng nhân hậu, bao dung biết thương yêu, đùm bọc, sẻ chia với những người đồng cảnh như mình. Cách nay 20 năm, nơi đây nhà cửa thưa thớt, nghèo nàn, hằng ngày có một cậu thanh niên vẫn chăm chỉ kiếm sống bằng nghề cắt tóc nơi góc phố, ngày có khách, ngày không, bữa đói bữa no, nhưng ngày nào cũng được Cụ dành một phần cơm của gia đình đem cho. Cậu thanh niên cắt tóc hồi ấy nay đã là Thầy của chúng tôi. Thầy đã thầm hứa với lòng mình một ngày nào đó thành danh nhất định sẽ quay trở về tìm Cụ, để báo đáp công ơn lớn lao của Cụ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đó chính là đạo lý làm người! Ngày hôm nay đây, Thầy trò chúng tôi trở về thăm Cụ, Cụ đã già rồi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm, Cụ kể lại cho chúng tôi nghe những chuyện của ngày xưa, những câu chuyện của tình người. Món quà nhỏ kính biếu Cụ thể hiện sự tri ân, kính trọng của Thầy trò chúng tôi trước một tấm lòng nhân hậu và mong muốn cùng với bà con lối xóm, cùng những tấm lòng từ thiện khắp mọi nơi an ủi, bù đắp cho Cụ lúc xế chiều, mang hơi ấm tình người đến căn nhà của Cụ, để hai mẹ con Cụ vui sống nốt những tháng ngày còn lại của cuộc đời mình, không còn cảnh hằng ngày một người con tàn tật già yếu lăn xe trên các con phố xin ăn nuôi mẹ già. Thầy trò chúng tôi tạm biệt Cụ và người con trai, trong lòng không khỏi bùi ngùi xúc động, thanh thản và nhẹ nhàng.

 Thầy đưa chúng tôi ghé qua nơi Thầy cắt tóc khi xưa, thăm lại người cũ. Cảnh vật nay đã đổi thay, người cũ đã già, góc phố vẫn còn đây. Ngồi uống chén trà, chuyện về ngày đã qua, thấy thời gian trôi nhanh, đời người ngắn ngủi! Không biết ai đã gieo hạt trồng cây nhưng Bằng lăng vẫn lặng thầm tỏa bóng, che mát cho đời…

 

  

 

Ngày 12 tháng 5 năm 2013

Môn Sinh

Trần Quang Ngọc

 Địa chỉ Từ thiện:

Cụ Nguyễn Thị Vê (101 tuổi)

Con trai Cụ: Đỗ Văn Dũng (69 tuổi)

Số nhà 117, phố Trần Đăng Ninh, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội.