Cận chiến trong quyền pháp Vịnh Xuân

Trên thực tế người mới tập Vịnh Xuân, hoặc những người không đủ ý chí để tập thường xuyên, thì võ Vịnh Xuân cũng không có gì đặc sắc bởi quyền pháp quá đơn giản và không hấp dẫn.

Thoạt nhìn nó chẳng khác chi một bài thể dục mà thôi, nhưng sự ẩn mình sau sự đơn giản đó là cả một công trình lớn đã được các tiền bối dầy công nghiên cứu và dàn dựng thành một bộ môn kungfu, có tác dụng cả về dưỡng sinh và cận chiến. Vịnh Xuân lấy lý luận của kinh dịch làm tiêu chí dẫn đường, dựa vào âm dương, lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái để phát triển thành quyền phổ ngoài ra còn dựa vào các hình pháp, bộ pháp của ngũ cầm, (long, xà, hổ, báo, hạc) gọi là ngũ hình quyền, các thủ pháp của ngũ hình như.

Tay long thì chụp nắm

Tay hổ thì vồ chộp, xé

Tay báo thì tát, bấu

Tay xà thì mổ phóng

Tay hạc thì tung vỗ

Với nguyên tắc (quý hồ tinh bất quý hồ đa) nên Vịnh Xuân quyền pháp không nhiều như các môn phái khác mà một đường quyền cần phải tập đi tập lại nhiều lần, sao cho nhuần nhuyễn để đạt tới độ tinh xảo thì quyền pháp ắt sẽ biến thông. Kinh dịch dùng bát quái để tiến thoái, biến hoá thì Vịnh Xuân tạo nên bát thủ pháp để sử dụng trong mọi hoàn cảnh, công hoặc thủ.

Bát thủ pháp bao gồm (xuyên, tiêu, kinh, tháp, than, phục, bàng, trầm) bát thủ pháp phải tập luyện sao cho hợp nhất thì mới phát triển và tạo nên độ tinh diệu của quyền pháp trong hệ thống cận chiến, ngoài bát thủ pháp thì thủ pháp của ngũ hình quyền cũng đóng góp nhiều đòn thế để Vịnh Xuân càng thêm phong phú và đó là những phần căn bản trong hệ thống mà người tập Vịnh Xuân cần nhớ kỹ, ngoài những kỹ thuật căn bản thì trong hoàn cảnh nào đó. Địa hình và không gian cũng là một yếu tố quan trọng mà người tập nên lưu tâm để tránh rơi vào tình thế bất lợi, có thể người tập không học được nhiều do hoàn cảnh công việc thì chỉ cần vài đường quyền mà tập được tinh thông cũng đủ để tự vệ khi cần thiết, các đường quyền được giảng dạy tỉ mỉ mà người tập phải nắm bắt kỹ lưỡng những kỹ thuật  chắc chắn thì việc giải quyết một vấn đề không gặp nhiều khó khăn, mà vấn đề cốt lõi là người tập phải chăm chỉ thì mới thấu hiểu và giác ngộ thì quyền pháp sẽ biến hoá ảo diệu. Chẳng hạn đối phương đánh một đường quyền ta dùng một đường tay gạt qua đồng thời phất cổ tay về phía đối thủ, đó là một lối biến hoá đơn giản nhưng vẫn hiệu quả với điều kiện (khi tay nhanh hơn). Đấy là thuật (thủ rồi công hoặc công rồi thủ) và thêm một số nguyên lý khác như (lưu lai khứ tống, thoát thủ trực xung) cùng với nguyên lý mà bắt buộc người học Vịnh Xuân phải hiểu đó là dĩ lực đả lực (mượn sức đánh sức). Trên thực tế quyền pháp là sự biến hoá của đôi bàn tay do hệ thần kinh vận động chỉ đạo, chuyển động từ trạng thái này sang trạng thái khác. Lúc sang phải, lúc sang trái, lúc lên trên, lúc xuống dưới, lúc úp lúc mở, lúc tiến lúc thoái sao cho hợp thời mà thôi. Nói như vậy không có nghĩa là ta không tập mà có mà chính ta phải bỏ ra một thời gian cố định để luyện tập thường xuyên thì mới đạt được những giá trị căn bản để có thể ứng dụng. Ngoài các thủ pháp là những phần căn bản luyện tập cho đôi tay linh hoạt, lỏng mềm để ứng biến tốt thì cái gốc của Vịnh Xuân vẫn là phương pháp thở (thiền). Phương pháp này giúp người tập vững mạnh và phục hồi phần nội tạng và tiếp nhận một nguồn năng lượng đó là Ođể tạo ra uy lực khi ra đòn. Đồng thời phải tập cho đôi chân như một bộ rễ bám sâu xuống đất mà khi trúng đòn hoặc ra đòn thì tư thế vẫn vững như bàn thạch để tạo nên sự vững chắc như vậy thì bài thủ đầu quyền hoặc chạm thiền giúp người tập dốc tâm tu hành sẽ thu được những kết quả như mong muốn.

Kiến thức chưa thông tuệ và tỏ tường, lời văn sơ sài tôi viết đôi điều thiển nghĩ, sai sót còn nhiều, mong các bậc cao nhân và huynh đệ lượng thứ chỉ bảo, tôi xin lĩnh hội và cảm ơn.

 

Hải Phòng, ngày  27 tháng 7 năm 2015 

Chủ nhiệm võ đường 

Võ sư Phạm Tuấn Dũng

Bạch Diện Cư Sĩ