Chân Tâm và Đạo Pháp

“Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc, Nào ngờ đâu tất bật đến hôm nay”

(Bùi Giáng)

 

Cái nắng đầu chiều hãy còn gay gắt nhưng trong lòng Thầy trò vẫn phơi phới cùng gió lộng trên chuyến phà dập dềnh qua sông tiến sang miền Quảng Yên, một vùng đất với nhiều di tích, danh thắng và lễ hội, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, yên ả, thanh bình. Xa xưa nơi đây hoang vắng đìu hiu, xanh xanh bãi sú một màu, bờ lau san sát, sóng nước mênh mông, nhờ các bậc Tiên Công về đây khai phá, mở mang bờ cõi, lấn biển dựng nhà, giáo hóa chúng dân cùng cháu con vui sống mà phát triển, bền vững đến muôn đời.

Tới dòng sông Chanh, cây cầu thay bến đò xưa đưa Thầy trò chúng tôi qua về với ngôi chùa Quỳnh Biểu trang nghiêm, cổ kính, mưa nắng cùng lịch sử đang yên mình nơi thôn Phong Cốc của đảo Hà Nam, nơi Sư Thầy trụ trì Thích Nữ Khánh Thảo cùng sư muội Viên Minh đang gieo hạt ươm mầm Phật Pháp, đem lòng từ bi vô lượng và giáo lý Phật Đà tới chốn thôn quê thanh vắng, tịch tịnh này.

Nhân duyên thôi thúc đã xuất gia vào chùa khi còn nhỏ tuổi, Sư Thầy một lòng theo Phật, chuyên tâm tu hành, trải qua bao phong sương, đói khổ, những mong đến được bến bờ giác ngộ, giải thoát khỏi trầm luân bể khổ để tìm chân hạnh phúc giữa cõi trần gian và đến hôm nay lòng đã nhẹ pháp thế gian, chân tu chứng đắc, Đạo hạnh sáng ngời, trang nghiêm giới luật, với Phật pháp uyên thâm, rộng sâu thế học có thể vững tâm trên pháp tòa mà truyền bá chính pháp khiến cho thính chúng phải phục lòng, tha nhân thêm yêu mến.

Nguyện trọn một đời thi hành Phật sự, nhập thế giúp đời, Trụ trì mong muốn trước thì nối bước tiền nhân cùng dân làng và Phật tử thập phương hưng công trùng tu, tôn tạo ngôi Chùa ngày càng to đẹp trường tồn cùng với thời gian, trở thành chốn linh thiêng, ấm áp tình người, sau là đem Phật Pháp và sở học của mình hoằng pháp, cứu vớt và dẫn dắt chúng nhân đi trên con đường quang minh chính đại, đều hiểu được Chính pháp và ứng dụng vào cuộc sống để chuyển hóa thân tâm, sống tự tại, an lạc, thảnh thơi, thoát khỏi bế tắc khổ đau và xua tan đi mọi hắc ám của tâm hồn.

Tâm nguyện ấy của Sư Thầy nay đã kết trái thành hiện thực và đang lớn dần theo thời gian. Chùa Quỳnh thanh vắng khi xưa hôm nay không chỉ là nơi tụng Kinh, niệm Phật, cầu nguyện của dân làng, mà đã thành ngôi trường, là mái nhà, là Võ đường thân yêu, gần gũi, yên vui, nuôi dưỡng và dạy dỗ các em lớn nhỏ, các bé mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi có khi từ lúc còn đỏ hỏn.

Giờ đây cứ mỗi chiều, sân Chùa lại đông vui, tụi trẻ lại hồn nhiên nô đùa để rồi lại hăng say luyện võ, học Đạo và qua võ sẽ đến với giáo lý một cách tự nhiên, dần dà thấm nhuần Phật Pháp.

Sư Thầy vẫn đêm ngày không mệt mỏi, dành hết thời gian và tâm lực tập trung làm tốt công tác Phật sự hiện tại của mình mà không ước vọng tới tương lai như tinh thần lời Kinh “Nhất dạ Hiền Giả”:

“Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã qua rồi

Tương lai thì chưa đến

Chỉ có Pháp hiện tại

 

Tuệ quán chính ở đây…”

 

Là người cầu học, hiểu rằng có nhiều con đường đến với Đạo, võ học là triết học cũng là một con đường tu hành nên từ khi 17 tuổi Sư Thầy đã theo học thêm Võ phái Thiếu Lâm Phật Gia để tu thêm võ đức, thẩm thấu thêm võ đạo và đã đạt tới trình độ Võ sư. Ngày nay Sư Thầy lại thọ giáo Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền Hải Phòng mong cầu tìm thêm tính Phật nơi môn phái, thấu thuật dưỡng sinh, muốn sâu thêm võ lý mà thông tỏ ý Thiền. Vịnh Xuân Quyền, hay Võ học nói chung, không giống như các môn học khác, đòi hỏi ở người tập luyện một ý chí sắt đá, một tinh thần không mệt mỏi, kiên trì, bền bỉ, miệt mài qua năm tháng, bắt người tập phải từ bỏ, hy sinh những đam mê và nhiều thú vui khác trong cuộc sống. Vịnh Xuân không chỉ là “một thứ võ xa xỉ”, tiêu tốn nhiều thời gian, tâm trí và công sức của người tập luyện mà còn đòi hỏi người tập càng từng trải và hiểu đời càng có thể sớm lĩnh hội, lý giải và đạt ngộ được những thâm ý vi diệu của bản môn. Không có tiền bạc hay vật chất nào có thể đánh đổi để có ngay được võ học, người tập giống như người nông dân phải tự mình xắn quần vén áo xuống đồng cần mẫn quốc đất be bờ, cấy trồng reo hạt không tính toán đến thời gian mà ước vọng để rồi một ngày nào đó thành quả sẽ đến với mình. Gian lao khổ ải là thế nhưng Sư Thầy vẫn quyết chí kiên tâm theo học, quyết chiến thắng bản thân mình để có thể lĩnh hội được những tinh hoa và triết lý nơi Môn phái. Giờ đây cơ duyên hội đủ, chẳng quản đường xá xa xôi, đò sông cách trở, sương gió nắng mưa, mỗi tuần đôi buổi Sư Thầy lại lặn lội từ Quảng Yên về với Hải Phòng tề tựu dưới mái chùa Linh Quang cùng Thầy trò huynh đệ trong Võ đường hăng say luyện tập.

Cảm mến trước chân tâm của Sư Thầy và quý trọng nhân cách một bậc tài nữ, thương cảm những tâm hồn nhỏ bé cút côi và động viên tinh thần hiếu học của con trẻ, hôm nay trong không khí đầm ấm, hoan hỉ, đông vui, đơn sơ mà hạnh phúc của Thầy và trò, huynh đệ đồng môn, Phật tử xa gần cùng bà con lối xóm giữa chốn Phật môn nơi Quỳnh Biểu, chuông chiều văng vẳng, trầm hương ngạt ngào, Võ đường kính tặng món quà từ thiện tới nhà Chùa và gửi gắm niềm tin nơi người học trò xuất gia, những mong một ngày nào đó có thể đưa “Môn võ của mùa Xuân” trở về nơi cửa Phật, để duy trì và phát dương quang đại Vịnh Xuân Quyền song hành cùng Phật Pháp.

Xưa nay, biết bao kẻ làm trai đã uổng phí cuộc đời mình như cánh bèo mặc trôi vô định mà cũng có biết bao nhiêu “thân nữ nhi tài sơ đức bạc” đã trở thành liệt nữ sử vàng muôn thủa lưu danh. Thế mới hay, con người cốt ở chí cao chứ đâu cứ phải:

“Ví đây đổi phận làm trai được,

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.”

 

(Hồ Xuân Hương)  

Ngày mồng Một, tháng 5, năm Quý Tỵ (2013)

Môn sinh                                

Trần Quang Ngọc                        

Địa chỉ từ thiện:
Sư Thầy trụ trì Tỳ kheo ni Thích Nữ Khánh Thảo 
Điện thoại: 094.479.7679
Địa chỉ: Chùa Quỳnh Biểu, xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.