Cuộc Hành Trình Về Ngôi Chùa Cổ
Ngày 30 tháng 8 năm 2012 tức ngày 14/7/2012 âm lịch Xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã long trọng tổ chức lễ vu lan báo hiếu đấng sinh thành và khánh thành ngôi chùa cổ, sau bao nhiêu năm tháng tĩnh tại giữa chốn thôn quê, cuộc sống ở người dân nơi đây cũng chỉ biết quanh năm cày cấy thuần nông, cho dù biết rằng giữa chốn quê nhà có một ngôi chùa cổ nằm thu mình giữa một gò đất riêng biệt trong làng.
Và điều gì đến đã đến, ngôi chùa được trùng tu lại đúng với di tích lịch sử mang đậm nét văn hóa dân tộc, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương cùng tất cả bà con làng xóm, những nhà hảo tâm đã quyên góp tiền bạc và công sức của mình cùng nhau trùng tu lại ngôi chùa. Như một phần công đức nhỏ của mình thầy trò đoàn Lân Sư Rồng - Bắc Sư Vịnh Xuân Đường thuộc võ đường Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền Hải Phòng đã cùng nhau lên lịch về trước phật đường để múa lân và biểu diễn võ thuật nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc và mang đến niềm vui cũng như cầu mong sự an lành thịnh vượng cho toàn thể bà con nơi đây.
Năm giờ sáng các môn sinh của võ đường đã chuẩn bị mọi công việc của mình cho cuộc hành trình về ngôi chùa cổ, mỗi người một việc, người xách lân, người mang trống, mặt mũi hân hoan, tất cả đều chung một suy nghĩ làm công đức, thấy hạnh phúc và xóa tan đi những bộn bề trong cuộc sống. Sau 2h đồng hồ đoàn lân sư rồng đã đến ngôi chùa, người dân nơi đây niềm nở đón tiếp bằng sự giản dị với những lời nói mộc mạc đậm chất thôn quê, các môn sinh bầy trống trận, ổn định vị trí chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cho buổi biểu diễn, trước tiên là lễ dâng hương, đoàn lân sư rồng với 40 thành viên đã vào điện Tam Bảo thành kính cúi lậy trời phật phù hộ cho mọi người khỏe mạnh, cho mưa thuận gió hòa, cho làng xóm được sung túc, sau đó tất cả các môn sinh bước vào buổi biểu diễn các tiết mục của mình mặc dù trời nắng gay gắt, giữa sân chùa như nổ tung tiếng trống rộn ràng, khí thế hào hùng các môn sinh vẫn hăng say múa với tất cả tấm lòng mong muốn mang lại cho làng xóm những niềm vui bất tận, bà con trong chốn thôn làng như thấy cuộc sống tươi đẹp hơn, rạng rỡ hân hoan trên từng nét mặt của ngày đầy ý nghĩa với đoàn lân và một ngày thật vui với bà con làng xóm, thật hoan hỷ, thật ấm áp tình người. Sau hơn 1h biểu diễn đoàn lân được lãnh đạo địa phương và bà con cảm ơn và mời ăn bữa cơm chay thân mật, nhìn thấy bà con vui, những nụ cười, những ánh mắt thân tình như thầm cảm ơn đoàn lân đã hăng say biểu diễn mà quên đi sự mệt mỏi và cái nắng đến khô người. Chúng tôi ra về ai ai cũng tươi cười vui vẻ, tiếng nói, tiếng cười hòa nhập với trái tim luôn mong muốn mang lại cho đời những niềm vui bất tận sau một cuộc hành trình đầy ý nghĩa, có lẽ giúp người quên mình chính là đạo lý làm người, sẽ mãi trường tồn và không bao giờ phai nhạt được. Ngày hôm nay thật tươi đẹp, tôi cầm trên tay trang giấy giới thiệu di tích lịch sử chùa Đồng Đại và âm thầm đọc:
Chùa Đồng Đại là gọi theo tên làng, làng Đồng Đại, xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư, còn tên chữ của chùa là Phụng Sơn Tự, xa xưa còn có tên Phúc Lâm Tự. Tên chữ của chùa là ước vọng của người dân xưa để lại cho thế hệ sau (một rừng Phúc), bởi trong 3 điều mà con người mong đạt tới…Phúc, Lộc,Thọ thì chữ Phúc đứng hàng đầu. Chùa làng Đồng Đại dân gian còn gọi là chùa Tiên vì chùa được xây dựng trên một gò đất cao như hình cô Tiên. Phía trước chùa có 3 gò đất cao. Phía sau chùa có 5 gò hình cái trống, người xưa nói là (Tiền Tam Thai Hậu Ngũ Nhạc) lại có người bảo (Tiền Ngũ Đáo Quần Phương, Hậu Bắc Phương Thượng Hải). Phía trước có 5 gò lớn, phía sau sóng nước như biển.
Tương truyền chùa do Linh Nhân Đỗ Thị Phương - Hoàng Hậu của vua Tiền Lý Nam Đế (544 - 548), người Trang Tây Đễ (nay là thôn Hữu Lộc, xã Xuân Hòa, cùng huyện) bỏ tiền ra xây dựng. Buổi đầu chùa có 3 gian nhỏ quay hướng Bắc, nhưng từ xa xưa đã nổi tiếng là đẹp và linh ứng. Vì vậy vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) cùng Đôn Từ Hoàng Thái Phi về chùa cầu tự và đã đắc tự, sinh ra hoàng tử Trần Kinh. Khi Trần Kinh nên làm vua tức Trần Duệ Tông (1373-1377) vua đã cho xây lại chùa mở cửa quay về hướng Nam và to đẹp hơn. Trải từ thời Trần qua Lê đến Nguyễn, chùa Đồng Đại vẫn là một trong số ít chùa đẹp nổi tiếng ở trấn Sơn Nam. Sách (Đại Nam Nhất Thống Chí) do quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn vào thời vua Tự Đức (1847-1883) ghi nhận. (Chùa Phúc Lâm ở xã Đồng Đại, huyện Thư Trì xây dựng từ thời Trần Duệ Tông, có tháp ứng Thiên, giếng Hoàng Hà, phong cảnh đẹp, nay trong chùa có tượng Phật, cầu ngói và giếng Hoành Hải vẫn còn). Nài ghi nhận của sách (Đại Nam Nhất Thống Chí) tại chùa trên hai vì kèo nóc vẫn còn hai câu đối:
(Trần Triều Duệ Đế Việt Lập
Bảo đại Giáp Thân trùng tu)
Từ ngày xây dựng đến nay, chùa đã được trùng tu 2 lần, thời Lê Trung Hưng niên hiệu Chính Hòa năm thứ 6 (1685) chùa được trùng tu lần thứ nhất. Năm Giáp Thân Bảo Đại năm thứ 20 (1944) chùa được trùng tu lần thứ hai. Gần 700 năm, trải bao biến cố của lịch sử đến nay chùa Đồng Đại vẫn là một ngôi chùa đẹp, một công trình kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn của hai thời Lê - Nguyễn. Chùa được xây trên một khu đất cao có không gian rộng với nhiều cây cổ thụ trong đó có 2 cây đại hơn 650 tuổi, cành lá trải rộng trước sân, thân cây sần sùi ghi dấu ấn của thời gian. Bao quanh chùa là ruộng lúa và dòng chảy, từ cổng vào, khách thập phương sẽ thấy ngay giếng Hoành Hải (đây là gương trời để các phật tử cùng soi khi vào chùa và lúc ra về), tiếp đến vườn, sân chùa, chùa chính rồi đến tăng xá và nhà khách. Chùa chính, bái đường mỗi công trình gồm 5 gian, cao rộng tôn nghiêm. Nóc chùa đắp Ngạc Long ngậm đai bờ giáng Hổ phù đội vầng mặt nguyệt, các góc bờ cong đắp lưỡng nghề du ký, đao công guộc đắp rồng chầu phượng bướm.
Chùa chính làm theo kiểu lòng thuyền tứ trụ, hai vì giữa thượng cốn hạ giường, hai vì cạnh thượng cốn hạ kẻ, hai vì đầu hồi làm kiểu chõng giường trái câu. Tất cả các đầu kê đều chạm cánh sen. Các thanh giường đều chạm lá lật, mềm mại thanh nhã. Các giường tiền trạm trổ thời Lê rất công phu, nét trạm chênh bong, điêu luyện như cảnh người cưỡi voi, có người hầu, cánh rồng cắp hổ và hổ cưỡi rồng… tòa hậu cung 5 gian, các vì đều cuốn gạch, bó trụ giữa để cánh gà xây vòm cuốn, chùa có 33 pho tượng, các tượng phật được khắc trạm cách ngày nay hàng trăm năm, là những công trình nghệ thuật tài hoa của người xưa, đáng chú ý là pho tượng Cửu Long bằng đồng trạm đủ các tượng Tam Thế, Di Đà, Tuyết Sơn, Di Lặc và các chư phật Bồ Tát Kim Cương rất đẹp.
Chùa còn lưu giữ được nhiều đồ thờ có giá trị văn hóa, lịch sử. Trong đó có 2 tấm bia đá khắc dựng từ năm Chính Hòa thứ 6 (1685) đáng tiếc là một bia nay không còn đọc được. Đặc biệt chùa còn tới 6 bức Đại Tự và 6 câu đối đều được sơn son thiếp vàng đổi màu vì thời gian, các bức Đại Tự và Câu đối đều nói về đạo lý của nhà phật, trong đó có 1 bức đại tự ghi tên chùa (Phúc Sơn Tự) và một câu đối nói về lịch sử, cảnh đẹp của chùa:
“Chiêu Tòng Trần Đại Thiên Niên Tự
Tích Ký Xương Châu Đệ Nhất Nam”
Chùa Đồng Đại nài sinh hoạt tôn giáo có hội chợ Đời, một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của dân làng, Hội được tổ chức vào dịp lễ vu lan trong tuần tháng bảy, vừa mang ý nghĩa tôn giáo vừa là hiện thực của đời sống xã hội. Hội đã đi vào tiềm thức là nếp sống đẹp của dân làng. Người dân Đồng Đại dù ở quê hay ở xa quê thường nhắc nhau:
“Dù ai đi đâu, về đâu
Nhớ rằm tháng bảy rủ nhau mà về
Về chùa hội chợ thăm quê
Ngàn năm Văn Hiến nhớ về đừng quên!”
Hội chợ Đời gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ được thực hiện trong 3 ngày:
- Ngày 14: có lễ khai kinh thỉnh phật, lễ rước nước, lễ nghinh sư.
- Ngày 15: Lễ xám hối, độ vong tiếp linh, cúng chúng sinh.
- Ngày 16: Lập đàn nại
Trong những ngày này người dân vào chùa cầu cho mùa màng tươi tốt, làng xóm bình an, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho vong linh tiên tổ siêu sinh tịnh tộ. Phần hội diễn ra sau các ngày lễ, ngày kia nếu mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, nước sông phẳng lặng hội có thể kéo dài hết 20/7, hội chợ Đời có các trò chơi dân gian như đánh cờ người, ném vòng, tổ tôm, đập liêu, câu cá, các buổi tối có hát diễn chèo tuồng, hát ca trù, múa rối nước. Kết thúc lễ hội là lễ phóng đăng thả đèn.
Kính mong các nhà hảo tâm công đức để xây dựng và phát triển nét đẹp văn hóa dân tộc chùa Đồng Đại, xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Hải Phòng, ngày 03 tháng 09 năm 2012 Chủ nhiệm võ đường Võ sư Phạm Tuấn Dũng |