Đêm hội Trăng rằm

“Trung thu trăng sáng như gương,
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”.
(Hồ Chí Minh)

Trăng đã dần lên cao, vành vạnh cùng ánh đèn đường phố lung linh chiếu sáng xuống quảng trường Nhà hát Thành phố, từng đoàn người cũng đang hối hả đổ dồn về đây mỗi lúc một đông hơn, quây tròn, chờ đợi trong tiếng nói cười rôm rả, tụi trẻ con háo hức tung tăng vui đùa chạy nhảy, xa xa tiếng trống lân đã văng vẳng xen trong cái ồn ào qua lại của xe cộ càng làm cho lòng người thêm bồi hồi, rộn rã. Làn gió heo may dường như cũng nhường cái se lạnh cho sức nóng của dòng người, nét buồn man mác của mùa Thu cũng vắng bóng nơi đây, tất cả là một bầu không khí từng bừng, náo nhiệt, nóng lòng từng phút giây đón chờ một chương trình Lân Sư Rồng vô cùng đặc sắc, độc đáo của một Đêm hội Trăng rằm do đoàn Bắc Sư – Vịnh Xuân Đường biểu diễn, món quà ý nghĩa mà Võ đường Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền Hải Phòng đặc biệt dành tặng cho các cháu thiếu nhi cùng người dân Thành phố nhân dịp Tết trung thu.

Trung thu là Tết thiếu nhi, là dịp để những tấm lòng nhân ái từ mọi miền Tổ quốc, từ gia đình cho tới nhà trường, cơ quan, xóm phố đều hướng về các bé, để người lớn thể hiện sự yêu thương, ân cần quan tâm tới các con, các cháu của mình những tình cảm ấm áp, vui tươi, động viên, chia sẻ và an ủi, mong ước ghi dấu trong lòng tuổi thơ các bé những ký ức thật ngọt ngào, êm đềm và hạnh phúc. Ngay từ lúc trăng chưa tròn, từ những miền quê tới nơi phố thị, tuy mỗi vùng tổ chức những đêm hội khác nhau nhưng đâu đâu cũng đều rực rỡ cờ hoa, ngập tràn sắc màu của đèn ông sao, của trống, của mặt nạ, sư tử kỳ lân, cùng bánh trung thu, cốm thơm với bưởi, hồng… Trống lân cũng đã tùng tùng cắc cắc rộn rã nơi nơi từ đầu làng cuối phố, trong ngõ, ngoài hè khiến con nít, trẻ nhỏ đứa nào cũng nao nao, háo hức hân hoan chuẩn bị và chờ đợi để được đi xem, được tặng quà, được tiền múa lân, cùng gia đình, bè bạn, người thân trông trăng phá cỗ, vui chơi hát múa với chị Hằng, chú Cuội, được đắm mình trong những câu chuyện cổ tích thật hồn nhiên, ngây thơ và trong sáng.

Trung thu cũng là Tết của người lớn nữa. Mỗi ai trong chúng ta cũng đều đi qua tuổi thơ, cũng đều gắn liền tuổi thơ với đèn ông sao, với trống, với lân, rồi say sưa cùng bạn bè tí hon tung tăng vui múa xin tiền quanh khắp cả xóm làng, nhong nhong mồ hôi nhễ nhại mà háo hức vui đùa, nói cười hả hê, đứa thì được bố mẹ, ông bà dắt bế theo lân, đứa thì ở nhà chờ trăng lên phá cỗ, xem lân đến múa, rồi thích chí khi được cầm tiền cho lân... thật thú vị biết bao nhiêu! Giờ đây tuy đã trưởng thành nhưng mỗi độ Thu về, chúng ta trong lòng lại xao xuyến, nhớ về cội nguồn dân tộc với những giá trị truyền thống đặc sắc và quý giá, hạnh phúc được sống với những kỷ niệm của ngày xưa thơ ấu bên tổ ấm gia đình cùng tụi trẻ, người thân của mình và những bước đường chúng ta qua sẽ vẫn luôn gắn liền với những đêm rằm trung Thu, tiếng trống.

Đêm nay, giữa Trung tâm của Thành phố đông vui, náo nhiệt ta lại được cùng vợ cùng con hòa mình cùng đoàn người, cùng tụi nhỏ tụ hội chung vui tận hưởng một đêm Thu vui tươi đầm ấm, chan hòa với đong đầy kỉ niệm. Mở đầu cho chương trình là ba hồi “Trống trận” ầm ầm dội vang như thác đổ, sóng gầm. Dòng người hồi hộp lặng nghe, tim đánh thình thình, mắt như không chớp dời tay trống…, rồi hội trường như bùng nổ vỡ òa cảm xúc, người người như nêm chen vai sát cánh tung hô vô cùng mãn nguyện, vỗ tay hò reo cổ vũ khi tiếng trống liên hồi vừa dứt. Hớn hở nhất vẫn là bọn trẻ, chúng nhẩy lên sung sướng thích chí sau bao ngày mong đợi. Rồi hai con Rồng vàng đỏ uy nghi ánh thần rực sáng, lấp lánh chợt xuất hiện diễu màn “Phi Long tại thiên”, bất thần từ dưới đất như ẩn mình chờ đợi bấy lâu phóng mình vụt bay lên trời cao, uốn khúc, lượn mình cuộn sóng lúc thăng lúc giáng, lúc gần lúc xa, thấp thoáng ẩn hiện trong mây trời giữa màn trăng khuya huyền ảo phô diễn thần oai, thể hiện người quân tử như lúc chưa gặp thời thì ẩn mình giấu tài tu học, còn khi thời cơ đã đến thì đem tài năng thi thố, vẫy vùng bay nhảy, ra sức giúp đời cho thỏa chí bình sinh. Trống vẫn giục liên hồi không ngớt, tùng tùng tiếp nối cho “Quần Lân tranh bá” sặc sỡ sắc màu, khí thế uy phong. Mỗi Lân mỗi vẻ giễu võ dương oai tựa như hùng tướng hiên ngang trước trận tiền, chuẩn bị tả xung hữu đột không sợ hiểm nguy với sức mạnh vô song cùng ý chí quyết chiến kiên cường. Tất cả được thi triển nhuần nhuyễn, uyển chuyển và mềm mại, thống nhất, trật tự và vô cùng nghệ thuật. Rồi đến “Lân say”, hiện ra một câu chuyện cổ tích về người dân hiền lành đã dùng tài năng, trí khôn và tình cảm của mình khéo léo hàng phục thuần hóa con Lân to lớn, hung dữ trở thành một người bạn gần gũi, hiền lành và thân thương của con người. Các khán giả nhí và người xem không ngớt tiếng cười thích thú, vài đứa trẻ còn nghịch ngợm nhảy nhót giật lân trêu đùa khoái chí, thỏa thuê. Và để khép lại chương trình là màn biểu diễn hết sức công phu và điệu nghệ của “Sư tử hý cầu”. Chỉ với một quả cầu nhỏ thôi mà hai cặp Sư xanh đỏ tím vàng đã phô diễn được những cử chỉ, động tác vô cùng tinh tế, sống động gần gũi với đời sống hằng ngày của con người. Những chú Sư tử như những đứa trẻ tinh nghịch, ngộ nghĩnh nô đùa bên trái bóng, lăn đi lăn lại, tung lên đặt xuống, lúc thì hối hả hấp tấp, lúc lại cẩn thận giữ gìn, vui đùa bên nhau, đôi khi thì chí chóe tranh giành rồi dỗi giận, cáu kỉnh khiến người nhớn phải giảng hòa nhưng rồi lại xí xóa hồn nhiên cùng nhau vui đùa. Khán giả không ngừng tán thưởng, còn tụi trẻ thì khoái chá reo vang đến nỗi không còn muốn ngồi yên trong vòng tay của cha mẹ nữa mà lắc lư cái đầu bắt chước những chú Sư tử kia, bắt đầu chạy nhảy theo tùng tùng cắc cắc. Khoảnh khắc ấy thật thanh bình và hạnh phúc, cho chúng ta giây phút quên đi những mệt mỏi, lo toan, hối hả của cuộc sống hằng ngày.

Đêm hội đã thành công với nhiều điều đáng nhớ, ấm tình và đầy ý nghĩa. Lòng người ra về phấn khởi, lưu luyến khôn nguôi. Đường phố cũng dần vắng bóng người, chỉ còn vầng Trăng khuya giữa màn đêm mờ ảo vẫn tỏa sáng như gương cùng những vì sao lấp lánh lặng thầm dõi chiếu xuống nhân gian.

 

Ngày 12 tháng Tám năm Quý Tỵ (2013)

Môn sinh

Trần Quang Ngọc