Hệ thống tập luyện cơ bản của võ đường Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền HP

Với kiến thức về võ học còn có hạn, tôi không dám lạm bàn trên diện rộng, chỉ dám viết đôi điều hiểu biết nông cạn về một phần nhỏ của bộ môn Vịnh Xuân Quyền với mong muốn đóng góp chút công sức ít ỏi của bản thân vào sự phát triển của nền võ học nước nhà.

Vịnh Xuân Quyền là một bộ môn nhu quyền được vận hành theo thuật âm dương ngũ hành, tương sinh tương khắc. Trong tĩnh có động, trong động có tĩnh. Sự kết hợp tinh tế giữa lỏng mềm, khuôn mẫu, chính xác, khéo léo với luyện thở là tiền đề quan trọng, là kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình tập luyện. Mỗi nhánh Vịnh Xuân đều có một phương pháp truyền dạy riêng. Vịnh Xuân Việt Nam theo dòng của tông sư Nguyễn Tế Công, được chia ra thành nhiều nhánh, mỗi nhánh cũng truyền dạy theo kiến thức sở học của từng bậc thầy. Nhưng tất cả đều chú trọng tới cái gốc đó là luyện cho toàn thân lỏng mềm, và lỏng mềm là điểm xuất phát của bộ môn Vịnh Xuân.

 
Nhằm nâng cao sức khỏe, tăng cường ý chí bản lĩnh, phòng chống bệnh tật, phát huy khả năng tiềm ẩn của mỗi cá nhân, đồng thời tạo điều kiện tập luyện thích nghi với từng lứa tuổi, võ đường Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền Hải Phòng xin giới thiệu chương trình tập luyện gồm 3 phần như sau:
 
Phần 1: Vịnh Xuân Căn Bản
 
Bắt đầu từ các tư thế, động tác cơ bản như quay chân, quay tay, niêm thủ (tay dính), ly thủ (tay buông), tiêu đả (tháo đánh). Lấy lỏng mềm làm tiêu chí để tạo nên sự khéo léo, linh hoạt, tốc độ, lưu thông khí huyết, tĩnh dưỡng toàn thân. Lấy đơn giản làm nguyên tắc, luyện giao tay chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình tập Vịnh Xuân, nhờ đó cảm nhận được hình thành và chuyển hóa dần từ trạng thái có ý thức đến vô thức. Giao tay là lắng nghe trong trạng thái động mà tĩnh, để sự giao thoa giữa hai tay biến thành sự vận động không điều kiện trong lỏng mềm, khéo léo, linh hoạt, vận hành trơn tru, ứng thủ liên hoàn. Đó chính là sự chuyển hóa thành linh giác, mà linh giác là một trong những điều cốt yếu của Vịnh Xuân Quyền.
 
Bên cạnh đó việc phân tích từng chi tiết cụ thể, từ góc độ, biên độ, khoảng cách của từng động tác, cách ứng dụng trong thực tiễn và hiệu quả của hệ thống để tạo thành một phương pháp tập luyện căn bản Vịnh Xuân Quyền.
 
Phần 2: Vịnh Xuân Dưỡng Sinh
 
Lấy thiền định làm cơ bản, Vịnh Xuân dưỡng sinh hướng dẫn luyện thở để thực hiện trao đổi chất trong cơ thể thông qua hai quá trình tương quan sâu sắc đó là Thổ và Nạp.
 
Thổ là thở ra
 
Nạp là hít vào
 
Sự trao đổi oxy liên tục trong cơ thể giúp lục phủ ngũ tạng được tăng cường chức năng hoạt động. Theo lý luận đông y, tâm và phế có quan hệ biểu lý, tâm và phế cùng ở thượng tiêu, tâm khí hư gây phế khí hư, hoặc phế khí hư gây tâm khí hư, tâm hư phế hư là hội tâm phế khí hư. Tâm chủ về thần minh. Phế chủ về khí. Tâm phế khí vượng, mạch máu lưu thông, huyết áp ổn định.
 
Trong phương pháp dưỡng sinh, thở là một phần vô cùng quan trọng, không thể thiếu được trong hệ thống giáo trình của võ đường Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền Hải Phòng. Tiền nhân có câu: Luyện quyền bất luyện công, đáo lão bất trường không. Luyện thở là sự tích lũy năng lượng, nhờ nguồn năng lượng dồi dào cơ thể sẽ tráng kiện, thần thái minh mẫn. Thở cũng là cái gốc của nội công Vịnh Xuân mà nội công còn tùy duyên từng người.
 
Phần 3: Vịnh Xuân Cận Chiến
 
Được kết hợp và vận dụng từ phương pháp cơ bản, phân tích từng chi tiết kết cấu. Cùng với sự vận động, thi triển theo nguyên tắc tương hỗ, tương đồng, người tập có thể ứng dụng một cách hiệu quả giáo trình cơ bản, như tập tay, niêm thủ, ly thủ, tiêu đả, song song với hệ thống quyền thuật như Thủ Đầu Quyền ( Tiểu Niệm Đầu), Ngũ Hình Quyền (Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc). Vận hành xuyên suốt, không ngừng, dựa vào kỹ năng, kỹ thuật, chi tiết, bản chất từng động tác, từng đường quyền cơ bản để tạo ra hiệu quả của phương pháp Vịnh Xuân Cận Chiến.
 
Sự hiệu quả của Vịnh Xuân Cận Chiến chính là nhờ vào sự rèn luyện không ngừng của hệ thống Vịnh Xuân Căn Bản, nhờ sự tận tâm chỉ bảo của người thầy và bản năng hay ngộ tính cao của người trò. Nhờ vậy mà sự ứng dụng mới có thành tựu.
 

 

 

Hải phòng, ngày 12 tháng 04 năm 2012

Chủ nhiệm võ đường

Võ sư Phạm Tuấn Dũng