Kungfu và Y dịch học

Thế kỷ 21, thế kỷ của cuộc sống hiện đại, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và các ngành khoa học khác đã và đang mang lại cho con người những lợi ích về kinh tế, kiến thức tư duy văn minh, nhưng nó cũng đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống con người như ô nhiễm môi trường và những vấn đề khác gây nhiều tác hại đến sức khoẻ của chúng ta.

 

Nhưng đó là quy luật tự nhiên mà không ai có thể cản được nó, từ lúc khai thiên lập địa có càn, có khôn. Con người cũng không thể tách rời trời và đất, đó là sự tương sinh quan thiên nhân địa. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, xã hội biến thiên, từ triều đại này tới triều đại khác, cuộc chiến tranh này tới cuộc chiến tranh khác, võ công đã góp phần không nhỏ tới chiến thắng và mang lại sự bình yên cho cuộc sống, song song với nó y học và dịch học cũng là những môn khoa học, triết học góp phần giúp cho xã hội hiện đại nhiều lợi ích lớn lao. Cuộc sống như đang cuốn phăng mọi người vào vòng danh lợi, tiền tài phú quý, nó như vòng kim cô bó chặt đầu óc và tư tưởng của mọi người, khiến mọi người phải làm việc và hoạt động như một cái máy mà nó chính là trung tâm điều khiển. Bởi vậy sức khoẻ của mọi người đang giảm sút, những căn bệnh nguy hiểm đang ngày một nhiều, để mọi người có ý thức về vấn đề này, phòng và chống bệnh tật, tôi xin viết đôi điều về giá trị của kungfu y dịch học.

Vậy kungfu y dịch học là gì ? 

Kungfu hay gongpu hoặc theo âm hán việt công phu là một thuật từ tiếng hoa, thường được người nói tiếng anh sử dụng dùng để chỉ chung cho võ thuật Trung Hoa, tuy nhiên nghĩa gốc của thuật từ này hơi khác một chút, nó ám chỉ chuyên môn trong bất cứ tài năng nào của một người đạt được nhờ làm việc siêng năng mà không nhất thiết là tài năng đạt được từ võ thuật. Nghĩa gốc của thuật từ  kungfu có thể chỉ bất cứ tài năng nào. “Công phu” là một danh từ kép gồm 2 từ … từ “công” có nghĩa là thành tựu hay giá trị và “phu” có nghĩa là người như vậy, theo nghĩa văn hoa thì thuật “công phu” có nghĩa là thành tựu của con người, nghĩa rộng của nó có thể được hiểu là thành tựu đạt được nhờ lỗ lực lớn. Nói đến công phu thì không phải để ám chỉ tập luyện võ thuật mà thôi, thay vì thế, nó ám chỉ một tiến trình rèn luyện của một con người , rèn luyện sức mạnh thân thể, trí tuệ, học tập và hoàn hảo năng khiếu của một người, hơn là ám chỉ những gì người đó đang luyện tập, nó chỉ sự xuất chúng đạt được qua luyện tập lâu dài trong bất cứ thử thách nào. Khi nói một người có “công phu” trong một lĩnh vực nào đó thì có nghĩa là đang ám chỉ tài năng của người đó trong lĩnh vực đó. Mà người đó đã làm việc gắng sức mình để phát triển hoàn thiện.

Y học là gì ? 

Y học là một lĩnh vực khoa học ứng dụng liên quan đến nghệ thuật chữa bệnh, bao gồm nhiều phương pháp chăm sóc sức khoẻ, nhằm duy trì, hồi phục cơ thể từ việc phòng ngừa và chữa bệnh. Y học được chia làm hai trường phái, đông y và tây y. 
- Tây y: Được các nhà khoa học trên thế giới nguyên cứu tạo thành nền y học. 
- Đông Y : Dựa trên nền tảng triết học cổ Trung Hoa, âm dương ngũ hành, âm dương ngũ hành cân bằng thì cơ thể khoẻ mạnh, việc chữa bệnh nhằm lập lại trạng thái cân bằng của các yếu tố trong khi tây y dựa trên kiến thức về giải phẫu sinh lý, vi sinh… cùng các thành tựu của các ngành khoa học hiện đại. Bên cạnh âm dương ngũ hành, cơ sở lý luận đông y còn bao gồm học thuyết thiên nhân hợp nhất, học thuyết kinh lạc, học thuyết bát cương, tạng tượng. Mặc dầu tạng tượng học đông y có nhiều điểm tương đồng với giải phẫu học và sinh lý học của tây y, các từ hán việt dùng để chỉ các tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận) phủ (vị đởm, tam tiêu, bàng quang, đại trường, tiểu trường). Trong đông y không đồng nhất với các từ chỉ các cơ quan theo giải phẫu học, tim, gan, lá lách, dạ dày, mật. Bởi lẽ đông y có một hệ thống lý luận khác, theo đó việc chia tách cơ thể thành các bộ phận khác nhau một cách rạch ròi, khiên cưỡng do cơ thể thành một khối thống nhất. Đông y được các danh y gia như Biển Thước thời Đông Chu, Hoa Đà thời Tam Quốc, và Hải Thượng Lãn Ông kế thừa và phát huy từ những loại thảo dược.
 
Dịch là gì ?
 
Dịch được hình thành từ thời Phục Hy, sau đó đến thời nhà Thương (Trung Quốc) được Vũ Vương nghiên cứu và tạo thành khi bị vua Trụ giam cầm tại ngục Giữu Lý. Vũ Vương đã nghiền ngẫm từ sự chuyển hoá của trời đất vạn vật kiến tạo nên nền văn hoá cổ đại tự nhiên và kinh điển. Dịch là một môn học khó, không hề đơn giản, chỉ những người có tâm cơ cao, duyên phận lớn mới lĩnh hội được những giá trị nghệ thuật sâu sắc về môn học này. Khi tìm hiểu và nguyên cứu về dịch học thực sự khó hiểu nhưng chỉ cần ham học và quyết tâm thì hiểu về nó cũng không có gì huyền bí và hoang tưởng, trên thực tế dịch học rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Chẳng hạn ban ngày là dương, ban đêm là âm, đàn ông là dương, đàn bà là âm, âm dương luôn tương tế và tiêu chưởng thì xã hội mới tồn tại, nó tuy tương khắc, lại có tương sinh, có thịnh có suy, hết suy lại thịnh cứ thế tuần hoàn. Từ lúc khai thiên lập địa trời đất còn là vô cực rồi sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái chồng lên nhau thành trùng quái, tạo thành sáu mươi tư quẻ dịch. Trong sáu mươi tư quẻ thì quẻ 63 là quẻ thuỷ hoả vị tế có liên quan mật thiết và tầm quan trọng với y học và võ học. Trong cơ thể con người ngũ tạng ứng với ngũ hành, tức tâm thuộc hoả, can thuộc mộc, tỳ thuộc thổ, phế thuộc kim, thận thuộc thuỷ. Trong quẻ thuỷ hoả vị tế, thận ở trên thuộc quẻ thuần khảm, tâm ở dưới thuộc quẻ thuần ly, nếu tâm thận bất giao ắt cơ thể sẽ sinh bệnh tật như vật vã hồi hộp, hay quên, mất ngủ .... trong võ học huyệt đan điền là bể khí chứa đựng nguồn năng lượng nhờ khí tiên thiên, giúp cơ thể hấp thụ và tích luỹ một nguồn chân khí tạo sức sống dồi dào, thì thận cũng góp phần vào việc nạp khí giúp tâm vận hành điều hoà huyết mạch. 
Vịnh Xuân Quyền thuộc nhu thuật (Tức âm), lấy lỏng mềm làm gốc nhằm giúp hệ thống kinh mạch trong cơ thể được lưu thông khí huyết. Vịnh Xuân được khởi thế bằng bộ mã nhự tự kiềm dương. Người tập lúc quay sang phải, lúc quay sang trái, ứng với dịch là âm và dương. Mà với y học nó giúp xoa bóp bàn chân phục hồi chức năng sinh lý, dưới bàn chân bao gồm các huyệt đạo của các mạch trong cơ thể như huyệt dũng tuyền, huyệt bách sao của kinh túc thiếu âm thận, cùng các huyệt vị khác có liên quan đến tỳ vị, đại trường, tiểu trường, can và đởm. Các động tác liên quan chặt chẽ đến cơ thể, giúp cơ thể thu dưỡng chân khí sau một ngày làm việc mệt mỏi hoặc căng thẳng, hơn thế nữa phương pháp xoay chân còn giúp tăng cường sức mạnh ở eo lưng và làm tiêu hao lượng mỡ thừa tại đó tạo lên sự săn chắc, đồng thời tác động trực tiếp đến mệnh môn huyệt (nằm tại đốt sống lưng thứ 14) nhằm giúp thận âm và thận dương, tức thận thuỷ và thận hoả tránh được những hư tổn, phòng và chống hiện tượng đau lưng, thoái hoá cột sống lưng. Ngoài một số phương pháp tập khác thiền định là một phương thuốc quý không thể thiếu được trong bộ môn Vịnh Xuân, là thuật đạo dẫn tối quan trọng trong thuật dưỡng sinh, giúp cơ thể đẩy lui được nhiều căn bệnh như thiếu máu não, đau đầu, mất ngủ, huyết áp cao. Trong một ngày có 24 giờ cứ 2 giờ ứng với một con giáp, có nghĩa 24 giờ ứng với 12 con giáp. Bốn canh giờ tý, ngọ, mão dậu luôn được coi trọng trong việc hành thiền, bởi lẽ giờ dậu khí chạy vào kinh thận, giờ ngọ khí chạy vào kinh tâm … và hướng ngồi thiền buổi sáng quay mặt về phương đông thuộc mộc, buổi chiều hướng ngồi thiền quay mặt về phương tây thuộc kim. Từ phương đông năng lượng phát ra ta thu hồi dương khí thuộc dương thịnh dần rồi suy, từ phương tây ta thu hồi âm khí thuộc âm thịnh dần rồi suy giúp cơ thể cân bằng âm dương mới tránh khỏi bệnh tật, cứ thế âm dương, con người tuần hoàn theo một quy luật tự nhiên thì kungfu (Võ) y, dịch không phải quan hệ nhân sinh tương quan sao.
Kiến thức chưa thông tuệ và tỏ tường, lời văn sơ sài tôi viết đôi điều thiển nghĩ, sai sót còn nhiều, mong các bậc cao nhân và huynh đệ lượng thứ chỉ bảo, tôi xin lĩnh hội và cảm ơn.
 
 
Hải Phòng ngày 11 tháng 2 năm 2014
 
Võ sư: Phạm Tuấn Dũng
 
Bạch diện cư sĩ