Lôi Âm Tự - Hành trình và cảm nhận

Một nhà sư người Thiên Trúc, khi đặt chân lên đất Việt đã nói lên những cảm nhận đầu tiên của mình: “ Cõi Nam đầu bước tới Nghe đã đượm màu Thiền Tin Phật mong thêm rộng Lòng người khéo hợp duyên …. ” (Theo Ngô Tất Tố dịch)

Nếu ai từng vượt chuyến đò ngang qua hồ Yên Lập quanh co thơ mộng để thọ kiến chùa Lôi Âm ẩn mình trên núi cao hùng vĩ thì hẳn sẽ hiểu được ý thơ sâu sắc của vị thiền sư, không phải ngẫu nhiên mà người lại có cảm nhận như vậy khi quyết định dừng lại tai nước Nam. Huyền Trang đời Đường đã dừng chân trước khi kiến bái đức Phật thịnh kinh. Sau ông về Ấn Độ và viên tịch vào ngày 27 tháng Giêng, là ngày giỗ tổ của chùa bây giờ.

Lôi Âm Tự là một danh từ rất biểu tượng, đại diện cho một thế giới có ngôn ngữ chân thật nói lên được chân tướng của vạn hữu. Tựa như tiếng sấm sét vang dội, vượt lên các âm thanh của trần thế, đánh thức minh tâm của con người, thoát khỏi khổ ải, trầm luân.

Nghe nói chùa nơi đây thiêng lắm, vua quan các triều đại không quản ngại đường xa để đến đây cầu cho mưa thuận gió hòa, dân chúng bình an hạnh phúc. Dù khô hạn đến mấy chỉ cần thỉnh một hồi chuông là mây đên vần tụ, lũ lụt mấy cũng mưa tạnh mây tan.  

Lôi Âm Tự cũng được nhắc đến như một địa danh quan trọng của tỉnh Quảng Yên, trong Đại Nam Nhất Thống Chí (thời Nguyễn).

“Nui Lôi Âm ở cách huyện Yên Hưng 25 dặm về phía Động. Núi có thể thảnh thơi chót vót cao hơn các núi khác, trên đỉnh có chỗ vuông vắn rộng rãi phỏng 5-6 trượng, không mọc cỏ cây, tương truyền là bàn cơ tiên tục gọi là “chọ trời” sườn núi có chùa gọi là chùa Lôi Âm, sau chùa có giếng, nước rất trong mát, bên tả có khe Giải Oan, nước từ đỉnh núi chảy ra, quanh trước chùa rồi chảy về phí Tây Nam ra biển, núi có nhiều cây thông lên cao trông ra nài biển, các ngọn núi đều chầu vào, cũng là một danh thắng. Năm Tự Đức thứ 3 liệt vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ”…

Những câu chuyện về chùa, về cuộc sống bình dị cùng với cảnh đẹp nơi sơn thủy như một vị tiên dược làm tất cả chúng tôi bỗng thấy thanh thản, những lo toan, trăn trở của cuộc sống bỗng tan biến. Chỉ còn lại cảm giác hạnh phúc đến chân thật, một cảm giác bình lặng, yên ả nơi tâm hồn.

   

Tiếng sáo vi vu của một cậu võ sinh trên đỉnh núi lại càng tăng thêm cái thơ mộng tiêu giao, vẻ hùng vĩ của chốn bồng lai tiên cảnh.

Bữa ăn giữa giờ chính Ngọ giản đơn nhưng đầy ắp những niềm vui. Tình thầy trò càng thêm đằm thắm và sâu sắc.

Chúng tôi cùng nhau vãn cảnh chùa, trò chuyện, chụp những bức hình kỷ niệm. Chiều xế, mặt trời ngả về tây, những tia nắng dịu vàng xuyên qua những tán lá nhỏ tạo thành những rẻ quạt nơi không gian thanh tịnh.

Vẫn là chuyến đò ngang hồi sáng đưa đoàn chúng tôi qua sông, để lại trong lòng mỗi người một cảm xúc khác nhau, nhưng ai cũng muốn sẽ có một dịp gần, thầy trò lại cùng nhau vãn cảnh chùa Lôi, nơi đã để lại trong ký ức chúng tôi những kỷ niệm sâu sắc, khó quên.

Vũ trụ thật bao la và huyền diệu. Phải chăng vì con người thường khổ đau, trăn trở nên tạo hóa đã ban tặng cho nhân gian những thiên đường trong cõi bụi trần. Để khi tới đó chúng ta như tìm lại được chính bản thể của mình, quay lại với nguồn tâm vốn chỉ có chữ “không”. Tôi thiển nghĩ, phải chăng sự giản đơn, bình dị chính là con đường dẫn tới chân lý?  

 

Hải Phòng ngày 05 tháng 05 năm 2012

Võ sinh Đặng Văn Duy