Ly Thủ

Trong môn võ Vịnh Xuân Quyền, Niêm thủ (Chisao) và Ly thủ là những phương pháp quan trọng không thể thiếu được với hệ thống công thủ của bộ môn. Niêm thủ như cái khóa không chìa và ly thủ như cái chìa để mở khóa.

Quá trình tập niêm thủ, hai đôi tay đan xen bám dính và biến hóa không ngừng, tay người nọ án ngữ tay người kia, đôi tay vận động liên miên, người này thủ người kia công, cũng có thể tay công tay thủ hòa nhau, cứ thế đôi tay vấn đi vấn lại, lúc nhanh lúc chậm. Tay càng lỏng thì bám dính càng mau, dính rồi thì không buông, buông rồi thì không dính.Phải vận dụng những khả năng lắng nghe sự di chuyển và biến hóa của đối phương để ứng phó và hóa giải kịp thời. Để giúp người tập tìm được con đường dẫn đến thuật công thủ thì kỹ năng lỏng mềm vô cùng quan trọng, tay càng lỏng bao nhiêu thì đôi tay càng linh hoạt, càng linh hoạt thì quyền pháp mới biến hóa mau lẹ. Chẳng hạn khi ta tấn công một đường quyền, đối thủ sẽ đón đỡ và ngăn chặn bằng nhiều phương pháp trên diện rộng hoặc phạm vi hẹp mà đôi tay của ta cương cứng thì khó mà thi triển được các thủ pháp khác mau lẹ hơn, tinh sảo hơn. Khi đó, lỏng mềm sẽ phát huy những giá trị lớn góp phần vào việc thủ hoặc công để đem lại những kết quả tốt.Lỏng mềm có thể ví như con rắn, mau lẹ di chuyển sang phải, sang trái hoặc tiến hoặc thoái, hoặc trên hoặc dưới. Rắn cũng là con linh thú trong võ thuật được xếp vào bộ “Ngũ hình quyền”. Xà quyền luyện tinh, thân thủ mau lẹ tinh quái quyền pháp ảo diệu khó lường hợp thời thì ra chiêu, bất lợi thì thu lại uyển chuyển linh hoạt thật xứng đáng được xếp vào đấng anh hùng. Không chỉ đơn thuần ly thủ mới là kỹ thuật độc đáo mà để tạo nên thành công mà còn các kỹ thuật khác luôn luôn tiềm ẩn như bàng thủ, than thủ, phục thủ, ngoài ra còn có sự hỗ trợ đặc biệt của Linh giác, mà Linh giác là một kỹ thuật cao cấp của Vịnh Xuân Quyền. Linh giác được tạo nên qua nhiều giai đoạn tập luyện có thể tập song kiều hoặc đơn kiều hoặc tĩnh tọa tu thiền để giúp khí huyết tru lưu, thân tâm tiếp nhận năng lượng, tăng nguồn chân khí trong cơ thể, giúp kinh mạch vận hành trơn chu và sung mãn. Trong quá trình tay giao tay, xúc giác của đôi tay sẽ được đánh thức và sự tĩnh tại từ trạng thái thiền giúp người tập có khả năng phán đoán đòn thế của đối thủ một cách vô thức. Khi bị án ngữ, đôi tay lập tức thay đổi hình pháp hoặc thủ, hoặc công mà không còn nằm trong vòng kiềm tỏa của đối phương. Vì là nhu quyền nên những nguyên lý như tiêu đả đồng thời (hoặc dĩ lực đả lực) cần được thi triển hết sức khéo léo và tinh tế. Các kỹ thuật khác như du đẩy, tỳ đè, xuyên, tiêu, kinh, tháp cần được phát huy triệt để mới mong mang lại những kết quả tốt. Trên thực tế, ly thủ chỉ là một kỹ thuật đơn giản, là buông thoát không để đối phương khống chế mà ta cần tìm con đường thoát, thoát rồi ắt thông, thông rồi ắt biến và chỉ có biến liên hoàn mới tạo được những sơ hở của đối phương mà tấn công. Để thi triển được như vậy, người tập cần phải khổ công rèn luyện để đạt đến trạng thái “tâm ứng thủ”. Nghe vậy nhưng thực tế lại là một vấn đề khác, muốn đạt được thành công người tu tập phải một lòng kiên định trên con đường đó mặc dù biết rằng sự gian nan và khó nhọc đang ở trước mắt. Ta đi mà không đi, ta tập mà không tập, không có thời gian nhất định nào để biết được thành công bởi vì nó còn phụ thuộc vào tâm cơ và duyên giác của từng người. Nhưng cũng không có nghĩa là ta tu tập mà không đạt “đạo” chỉ là đến đâu mà thôi. Có công ắt có quả.Tu tập một lòng ắt thấu thiên cơ. Khi đạt được và trải qua những phương pháp căn bản của bộ môn thì dù là niêm thủ, ly thủ hay các kỹ thuật khác ta đều có thể thi triển theo tâm ý mà không gặp phải quá nhiều sự khó khăn và cản trở. Tất cả các phương pháp đều gắn kết liên hoàn dựa trên thuật âm dương mà tương tế, tương sinh, tiêu trưởng để đến khi ngộ ra thì công phu đã đạt rồi. Trong Dịch học phái, ly là hỏa, có khả năng tiềm ẩn sức công phá mãnh liệt, thoát rồi thì tràn đi, đi rồi tức là biến mất. Và khi tay có hình mà thành vô hình thì đối phương khó lòng mà đoán được đường đi hay sự ẩn hiện của nó và điểm đến của tay sẽ đều do ý mà thành.

Đôi điều thiển nghĩ, mong các thày và huynh đệ đồng môn bỏ lỗi bổ khuyết cho. Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Hải phòng ngày 14/6/2014

Võ sư

Phạm Tuấn Dũng

Bạch Diện cư sĩ