Niêm thủ ( Chisao )

Trong hệ thống Vịnh Xuân quyền Việt nam hay Vịnh Xuân quyền Hồng Công , Trung Quốc, niêm thủ là một phương pháp tập luyện độc đáo, là sợi chỉ hồng xuyên xuốt quá trình luyện tập trong công thủ của công phu Vịnh Xuân . Niêm thủ là con đường dẫn tới linh giác . Tập đơn kiều hoặc song kiều Niêm thủ (tức tập giao tay bằng một tay hoặc hai tay)

Tập niêm thủ là tập sự phản công của đôi tay do hệ thần kinh chỉ đạo, dựa vào kỹ thuật lỏng mềm để phát huy khả năng cảm nhận khi giao thủ cùng  đồng môn hoặc đối thủ. 

Ví dụ : khi đối thủ đánh ta đỡ và đối thủ biến hóa đổi đòn thì đôi tay có sự cảm nhận nhờ xúc giác mà ứng biến kịp thời.

Để đạt được sự thành công của kỹ thuật này cần phải thẩm thấu và vận dụng tốt tối đa sự lỏng mềm (thiền). Lỏng mềm làm khả năng tay theo tay của đối thủ, di chuyển theo một hướng nào đó mà ta vẫn có thể phán đoán và hóa giải nhờ sự tập trung (thiền) lắng nghe mà không dựa vào nguyên tắc nào. Trước khi tập niêm thủ cần phải nắm vững  3 điểm tối quan trọng là đôi tay luôn trong trạng thái tháo lỏng, mềm, giữ kín trung lộ và lắng nghe tốt sự di chuyển của đối thủ cần vận dụng tốt kỹ thuật lỏng cổ tay và khớp khuỷu tay. Để vận dụng cho linh hoạt, loại bỏ trạng thái vụng về và tạo ra sự mau lẹ và khéo léo cần thiết. Khi mới tập phải giao tay theo một công thức cố định sau đó đôi tay tự chuyển động từ trạng thái này sang trạng thái khác mà không có sự thỏa thuận nào giữa người dẫn và người theo. Lúc đầu cần chậm và chính xác. Sau đó người dẫn phải tạo ra sự đột biến để người theo phát triển được khả năng phản xạ mau lẹ. Hóa giải và triệt thủ phản công. Trong quá trình giao tay cần phải sử dụng những kỹ thuật căn bản như bàng thủ, than thủ, phục thủ …. Và lỏng mềm, luôn luôn vận hành được trơn chu để tạo được những ưu thế tốt trong  thuật công thủ. Thực tế để tập thành công phương pháp, niêm thủ cũng không phải đơn giản, ngoài những kỹ thuật cơ bản cần phát huy khả năng tư duy và trí tuệ cao, mới có những hiệu quả nhất định, điều khó nhất mà ta cần tìm cách biến hóa của công lẫn thủ khi 2 đôi tay cần tu tập và suy nghĩ. Có thể sẽ được giác ngộ trong quá trình giao tay sẽ tự giác ngộ. Vịnh Xuân quyền dùng tay là căn bản. Nắm biết kỹ nguyên lý vận hành và khổ công luyện tập, tập luyện ắt sẽ có  những thành tựu cao. Ở đây tôi không lạm bàn về cước pháp mà chỉ cần phát huy những giá trị của đôi tay. Trong quyền pháp của Vịnh Xuân  yếu quyết (túc bất ly địa ) chân không dời đất đã nói rõ cho ta hiểu chân là thành trì  , là rễ cây phải xuyên xuốt  dưới mặt đất, chắc chắn và vững mạnh. Gốc vững mới có thể phát huy được như cành lá vươn ngang vươn dọc. Cũng như đôi tay lúc thăng lúc giáng, lúc phải lúc trái mới có thể vận dụng đúng yếu quyết ( quyền do tâm phát, lực do địa khởi )  . Khi đôi tay được tập luyện tinh thục, thì trong trường hợp công hoặc thủ, khả năng phát triển và biến hóa tự nhiên như dòng nước, gặp vật cản thì tự rẽ ra và thuận đường thì đi đến. Giao thủ là con đường dẫn đến linh giác.  Mà linh giác là con đường tối cao của Vịnh Xuân kungfu. Theo truyền thuyết các tiền bối ngày xưa tỷ thí võ nghệ trong một phòng tối. Mắt có như không, chỉ nhờ vào sự tinh thông về niêm kình và thính kình. mới có thể phân định được thắng bại, vậy đôi tay chẳng khác chi đôi mắt của con người nên có câu tay như có mắt (nhãn thủ) là như vậy. Ngoài những giá trị về khả năng đối kháng, tập niêm thủ còn giúp cho hệ cơ lỏng, cổ tay và khớp hoạt động tốt giúp lưu thông khí huyết, phòng và tránh bệnh tật, như phong hàn, phong thấp nhập vào kinh lạc mà sưng đau cổ tay.  Nhờ sự vận động linh hoạt và trơn chu càng giúp cơ khớp sản sinh hoạt chất tân dịch giúp tiêu trừ các chất dư thừa khác, đồng thời niêm thủ góp phần lớn vào sự tập luyện và thành công của Vịnh Xuân quyền.  Niêm thủ giúp cho đôi tay sử dụng quyền pháp và binh khí càng mau lẹ, linh hoạt, sẽ tạo những hiệu quả cao trong hệ thống quyền pháp của bộ môn. 

Thiết nghĩ kiến thức còn nông cạn tôi cũng chỉ dám viết đôi điều để chia sẻ. Thiếu sót còn nhiều, mong các bậc thầy, các tiền bối, các huynh đệ đồng môn chỉ giáo, tôi xin lĩnh hội.

 
Hải Phòng, ngày  4 tháng 11 năm 2013 
Chủ nhiệm võ đường
Võ sư
Phạm Tuấn Dũng