Sư tổ Nguyễn Tế Công và Vịnh Xuân Quyền Việt Nam

Họ tên chính của sư tổ Vịnh Xuân quyền Việt Nam là Nguyễn Tế Công (còn có tên khác là Nguyễn Tế Vân, Lương Vũ Tế, Tài Cống), sinh năm 1877 ở Tân Hội (Quảng Đông, Trung Quốc). Thân phụ là Nguyễn Long Minh – một thương gia giàu có mở xưởng pháo hoa ở Phật Sơn.

Ông là con thứ 4, cùng người em thứ 5 năm Nguyễn Kỳ Sơn được gia đình bỏ ra một số tiền lớn để xin học võ Hoắc Bảo Toàn (Phổ Bá Quyền). Hoắc Bảo Toàn là một bộ đầu ở Phật Sơn, nổi tiếng về Vịnh Xuân quyền, lại giỏi đạo pháp. Hoắc Bảo Toàn là học trò của Hoàng Hoa Bảo (cháu ruột của sư tổ Ngũ Mai) và Đại Hoa Diện Cẩm. Sau khi học võ sư phụ Hoắc Bảo Toàn, hai anh em Tế Công và Kỳ Sơn lại tiếp tục theo học Phùng Thiểu Thanh – quan án sát Quảng Châu – cũng rất giỏi và nổi tiếng về Vịnh Xuân quyền và côn thuật.

Trước thịnh tình của gia đình họ Nguyễn, Phùng Thiếu Thanh (lúc đó đã 70 tuổi) đã đồng ý đến ở trong nhà họ Nguyễn và dạy võ cho một nhóm 8 người trong đó có hai anh em Tế Công. Phùng Thiểu Thanh mất năm 74 tuổi và được gia đình họ Nguyễn tổ chức tang lễ chu đáo. Gia đình ông Tế Công ở ngay gần gia đình Diệp Vấn. Khi gia đình Diệp Vấn gặp khó khăn, gia đình Tế Công vẫn thường xuyên giúp đỡ. Hai bên quan hệ với nhau rất thân thiết.

Năm 30 tuổi (1907), Nguyễn Tế Công lánh nạn sang Việt Nam. Lúc đầu ông ở Hải Phòng sau chuyển về phố Hàng Buồm (Hà Nội) mở hiệu thuốc và nắn bó xương, cuối cùng chuyển về phố Hàng Giày. Thời kỳ đầu sang Việt Nam, ông làm quản gia kiêm bảo tiêu cho một nhà tư sản người Hoa có mỏ ở miền Bắc Việt Nam.

Ông có dạy võ cho người con trai chủ nhà là Cam Túc Cường. Vào dịp lễ, Cam Túc Cường vừa hát vừa biểu diễn múa dải lụa mềm dài 5 m, nhưng lụa không bao giờ chạm đất. Lúc sang Việt Nam ông Nguyễn Tế Công có một người con gái nuôi là La Tố Mai cũng rất giỏi Vịnh Xuân quyền.

Một lần, khi ông Tế Công đang khám bệnh thì xuất hiện 2 người một già, một trung niên. Hai người bước vào với vẻ mặt cừu địch. Ông bảo người nhà rót hai chén nước, đưa cho người trung niên một chén, và cầm một chén. Hai người nâng hai chén nước và cụng… ly.

Tế Công vận nội công và từ từ bước lên. Người trung niên tay run, không chịu nổi cứ phải lùi dần ra cửa. Thấy vậy, người khách già vỗ vai người trung niên lắc đầu và bảo rằng, “suốt đời nội lực của anh không sánh kịp Tế Công đâu, thôi xóa bỏ hận thù đi”. Lúc ấy mọi người mới biết, trung niên kia vốn có mối thâm thù với ông Tế Công từ bên Trung Quốc, đã bỏ ra mười mấy năm trời tu luyện rồi sang Việt Nam tìm để giao đấu, nhưng cuối cùng đành phải quy phục…

Sau khi con gái nuôi mất (do ung thư vú), ông Tế Công lấy vợ và sinh hai con: một trai (A.Dếnh), một gái (A.Dung). Sau này ông vào Sài Gòn sinh sống ở Chợ Lớn và mất năm 1959 tại Đồng Khánh, thọ 84 tuổi.