Thuật dưỡng sinh trong Vịnh Xuân Quyền

(Đường không đi không bao giờ đến
Việc không làm chẳng bao giờ thành)

Vịnh Xuân Quyền là một bộ môn nhu quyền, được ra đời thời Càn Long nhà Thanh. Trong bối cảnh triều đình nhà Thanh dưới sự chỉ đạo của vua Càn Long đã hoả thiêu thiếu lâm tự chỉ có ngũ đại cao thủ còn sống sót và mỗi người ẩn cư một nơi đó là Ngũ Mai sư thái, Chí Thiện thiền sư, Phùng Đạo Đức, Miêu Chí  Hiển, Bạch My đạo nhân. Ngũ Mai sư thái về núi đại Lương tu hành và đã nghiên cứu ra bộ môn võ mới , được rút tỉa từ Thiếu Lâm Tự và kinh nghiệm giang hồ, dạy cho bà Nghiêm Vịnh Xuân. Từ đó giới võ lâm có một môn võ mang tên Vịnh Xuân Quyền. Vịnh Xuân Quyền là một bộ môn nhu quyền. Ngắn gọn, đơn giản nhưng thâm thuý. Để chia sẻ cùng mọi người đam mê Vịnh Xuân tôi cũng chỉ hiểu về dưỡng sinh mà thôi chứ không tinh thông quyền cước.

Vịnh Xuân thuộc âm nhu, với nguyên lý lấy lỏng mềm làm căn bản mà lỏng mềm là sự quyết định thành công của môn võ này.  


Một môn đồ thiểu năng trí truệ sau 4 năm tập luyện

Người tập Vịnh Xuân phải tháo lỏng toàn thân vậy lỏng mềm có tác dụng gì?

Cơ thể con người càng mềm mại bao nhiêu thì càng giúp khí huyết vận hành lưu thông, vinh vệ sẽ xuyên suốt cơ thể tạo nên một nguồn năng lượng vững chắc giúp cơ thể cường tráng và khai ngộ được tâm pháp thì ngoài các phương pháp như niêm thủ, ly thủ, tiến lùi, luyện kình thì Vịnh Xuân lấy thiền định là kim chỉ nam để dẫn tới thành công.

Vậy thiền là gì? Thiền còn có tên gọi là Zen (Nhật Bản)  và nhiều tên gọi khác theo văn hoá của các nước phương đông. Tôi đã viết nhiều trong các bài viết khác, nay chỉ giới thiệu qua mà thôi. Thiền định còn được gọi là thuật đạo dẫn (thổ, nạp) của nhiều môn võ và các nho gia khác. Với Vịnh Xuân tham thiền chỉ là phương pháp thở, chứ không liên quan gì đến thần thánh hay Tâm Linh. Với mục đích đưa oxy trong không khí vào tĩnh mạch phổi và đào thải CO2 từ động mạch phổi.  Thân lấy tâm làm chủ, nhưng phổi lại quyết định sự sống.  Phổi chủ khí, thu, nạp phân phối và điều hoà cung cấp oxy cho lục phủ ngũ tạng con người.  Vạn vật không có khí thì tiêu tan, con người không có oxy thì không tồn tại, chính vì vậy phổi có tầm quan trọng to lớn trong thuật dưỡng sinh học. Ngoài ra huyết cũng là một nhân tố quan trọng, huyết được tạo ra bởi  ngũ cốc và các chất dinh dưỡng là nguồn năng lượng duy trì và phát triển sự sống. Khí và huyết đều không thể tách rời nhau được. Khí là dương, huyết thuộc âm. Âm dương tương tế thì cùng tồn tại, nếu mất cân bằng  cơ thể ắt sinh bệnh tật. Khí huyết vận hành trơn tru, thì da dẻ tươi nhuận hồng hào. Khí trệ huyết trệ sinh chứng: sắc mặt xanh mệt mỏi, vô lực, lưỡi nhạt, mồm bệu rêu trắng mạch hư. Thở là một phương pháp quý, theo tôi nó vi diệu vô cùng. Thở nhiều thì dạ dày (vị)  sẽ mở ra, tác động vào các niêm mạc làm nhu động cửa dạ dày càng tăng cường được khả năng tiêu hoá tốt giúp cho tỳ truyển hoá thức ăn tạo thành máu chuyển vào gan. Quá trình vận hoá tân dịch là do sự chung sức và hợp tác với nhau của tỳ (lá lách) và vị (dạ dày) mà nên, tân dịch trong vị do tỳ hấp thụ thông qua kinh mạch túc thái âm và vận chuyển vào qua kinh túc dương minh vị với thái âm kinh, có quan hệ biểu lý với nhau cho nên tân dịch được tỳ hấp thụ cũng thông qua đường kinh túc dương minh mà phân bố đến 5 kinh dương. Sau nhiều năm im bóng, giờ Vịnh Xuân như hoa nở, khắp nơi trên thế giới nhiều chi phái, võ đường phát triển, không phải nó là một môn võ hay mà chính hay ở chỗ thuật dưỡng sinh lớn vì vậy thở thiền mang nặng một vai trò lớn, đóng góp và quyết định vào sự tồn tại của cơ thể. Nếu chỉ nhìn vào hình pháp của Vịnh Xuân thì người học thấy nó đơn giản mộc mạc, không hoa mỹ, không uy lực, sức hấp dẫn không đủ làm cho người tập thiếu đam mê. Cho nên người tập thiền lòng kiên nhẫn, ý trí không đủ thì  Vịnh Xuân có xác mà không có hồn. Cơ thể con người có 2 mạch, 12 kinh và bát mạch kỳ kinh.

 

Mười hai kinh được chia thành :

Ba kinh dương ở tay :

Thủ thiếu dương tiểu trường
Thủ thiếu dương tam tiêu
Thủ dương minh đại trường

Ba kinh âm ở tay đó là :

Thủ thái âm phế
Thủ thái âm tâm
Thủ quyết âm tâm bào lạc

Ba kinh dương ở chân:

Túc thái dương bàng quang
Túc thiếu dương đởm
Túc dương minh vị.

Ba kinh âm ở chân:

Túc thái âm tỳ
Túc thiếu âm thận
Túc quyết âm can.

Bát mạch gồm :

Nhâm mạch
Đốc mạch
Xung mạch
Đới mạch

Âm duy mạch
Âm kiều mạch
Dương kiều mạch
Dương duy mạch

Và các huyệt đạo của các kinh mạch bao gồm 690 huyệt chính và hơn 200 huyệt ngoài kinh. Người tập Vịnh Xuân nên tìm hiểu và học hỏi. Bởi lẽ bất kỳ phương pháp nào trong Vịnh Xuân quyền đều tác động vào các kinh mạch, nhằm nâng cao chức năng và hoạt động phòng chống bệnh tật. Mà khí huyết có lưu thông đến các kinh mạch trong cơ thể thì lỏng mềm là một phương pháp không thể bỏ qua. Trong hệ thống quyền pháp của Vịnh Xuân thì bài thủ đầu quyền  (Tiểu niệm đầu) là một kiệt tác trong thuật dưỡng sinh. Thủ đầu quyền hoàn toàn tập bằng tay mà không di chuyển hay dùng cước pháp. Trước hết những tiêu chí cần nắm rõ như phương pháp thở và tay lỏng mềm, khuôn mẫu, tĩnh tại phải được tuân thủ một cách triệt để thì giá trị của bài quyền mới phát huy tác dụng được. Người tập thủ đầu quyền phải tập ít nhất 45 phút hoặc đến cả tiếng đồng hồ. Quá trình vận hành các đường quyền được chuyển động nhẹ nhàng, chậm rãi, dụng ý điều khiển thân, ý, khí, đôi chân luôn đứng trong một tư thế không thay đổi, hình thế tạo thành một khối vững chắc. Trong tư thế lỏng, để giúp khí huyết chuyển động tự nhiên, nó sẽ ngấm qua các mô cơ trong cơ thể và vào tận xương tuỷ. Luyện thủ đầu quyền là luyện tập cả trong và ngoài, cả thân và tâm, đôi chân vững chắc, mà ta gọi là bộ rễ, rễ mà tốt, thân cây chắc chắn, cành lá sẽ xum xuê. Thì sâu nào mà đục được. Có câu (dụng ý bất dụng hình) chính là như vậy. Luyện thủ đầu quyền có thể đạt được thân phân mà hợp, ý khí cùng động hình hài tao nhã, khiến cho tâm bình và khí hoà sẽ tránh cho tâm khỏi bị dao động hoặc bị ngoại cảnh, công việc khiến tinh thần bất an dễ gây chứng huyết áp tăng. Tâm làm chủ cơ thể, quản lý mọi hoạt động cho nên thuật dưỡng sinh không thể không chú trọng đến phương pháp điều tâm. Muốn điều tâm thì nên tham thiền nhập định, nhân định thì tuệ phát, tâm giác ngộ sẽ thấu được thị phi, thiện ác, phân biệt được trắng đen chính tà. Lòng không phiền muộn sân si, không coi nặng đúng sai, đến không vui, đi không buồn vi an bất định. Tâm đã định thì chữ nhẫn đã thông, chữ khiêm đã đạt, dù không đắc đạo thì người tập cũng gồm thao lược.

Nội dung của quyền pháp Vịnh Xuân uyên bác trong thuật dưỡng sinh, hàm ý cao sâu nhưng trình độ  có hạn, giác ngộ chưa được nhiều, Tôi mạo muội viết đôi điều thiển nghĩ chia sẻ cùng các huynh đệ võ lâm, thiếu điều chi xin chỉ giáo.

Tôi xin cảm ơn và lĩnh hội . 

Ngày 16 tháng 6 năm 2016

Chủ nhiệm võ đường

Võ sư Phạm Tuấn Dũng

Bạch Diện Cư Sĩ