VÕ VÀ ĐẠO

Võ được hình thành và phát triển từ hàng ngàn năm nay, là nét văn hoá độc đáo của người phương Đông, võ chỉ là sự vận hành của đôi chân và đôi tay do hệ thần kinh chỉ đạo, từ những động tác đơn giản đến phức tạp, nhờ sự vận động máu huyết được lưu thông, cơ thể được khoẻ mạnh, phòng và chống bệnh tật. Võ đem lại niềm tin, ý chí, bản lĩnh cho những người yêu mến nó.

 Từ lúc Đạt Ma Sư Tổ khai sáng và phát triển cho các tăng ni tại chùa thiếu lâm Trung Quốc, võ ngày càng phát triển không những chỉ ở Trung Quốc mà còn lan rộng ra khắp thế giới, chứng tỏ tầm quan trọng của nó đối với sức khoẻ của con người là rất lớn. Cùng với sự phát triển của môn võ Thiếu Lâm các môn võ khác cũng bắt đầu ra đời theo từng bối cảnh khác nhau, mỗi môn đều mang một nét độc đáo riêng do trình độ và sự khổ công của từng bậc thầy nghiên cứu và sáng tạo ra nó, theo thiển nghĩ của tôi môn võ nào cũng hay, không có môn nào hay hơn môn nào mà chỉ có môn đồ nào chịu khổ công tập luyện mà thôi. Song song với giá trị của võ thì cái đạo trong võ là tiền đề vô cùng quan trọng nó giúp cho con người hào hiệp, bao dung và độ lượng, người luyện võ càng sâu càng thấy những tinh hoa cả về võ và văn, võ không phải là sức mạnh của cơ bắp, không phải là quả đấm mạnh theo nhiều người nghĩ mà nó được vận dụng trong cuộc sống một cách hết sức tế nhị và khéo léo. Theo lẽ thường các bậc thầy dạy võ cũng rất kén chọn học trò bởi lẽ nếu không nhìn thấy bản chất của người học trò thì người thầy có thể gián tiếp giúp người học trò thành tài mà không làm đẹp cho xã hội, hơn thế nữa điều đó có thể tạo nên sự nguy hại khôn lường trong cuộc sống. Chữ Tâm không thấu, chữ Nhẫn không thông thì việc huynh đệ tương tàn là việc không tránh khỏi, vậy thì cái đạo trong võ không còn nữa. Nghĩ đến truyện xưa, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, thầy Quỷ Cốc Tử dạy hai người độ đệ là Bàng Quyên và Tôn Tẫn. Bàng Quyên đã ích kỷ quên đi tình huynh đệ mà ra tay tàn độc, luôn luôn tìm mọi cách bất chấp thủ đoạn để hại sát người đồng môn của mình là Tôn Tẫn, nhưng mà thiện phải thắng ác, nhân nghĩa phải thắng hung tàn, cuối cùng Bàng Quyên phải chết bởi tài của Tôn Tẫn tại trận Tam Lăng.  Lại nhớ chuyện nay , tại Thượng Hải sau khi tông sư Hoắc Nguyên Giáp người sáng lập ra Tinh Võ Môn bị đầu độc qua đời thì người học trò của ông là Trần Chân đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp của môn phái và giúp nhân dân Trung Hoa trong cuộc chiến kháng Nhật đến cùng, một hành động thượng võ và cao cả đáng được tôn vinh của Trần Chân đã làm rạng rỡ cho môn phái và những người luyện võ chân chính. Thật khâm phục cái đạo trong võ của Trần Chân.

Với kiến thức về võ học còn hạn hẹp, tôi viết đôi điều thiển nghĩ của mình về võ và đạo, sai sót còn nhiều mong mọi người thông cảm và lượng thứ, và cũng xin suy nghĩ về đôi điều nông cạn của tôi.

 

 

Tôi xin chân thành cảm ơn !

Hải Phòng, ngày 16 tháng 09 năm 2012

Chủ nhiệm võ đường

Võ sư Phạm Tuấn Dũng